Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vua Charles III của Anh công du Đức: Kỳ vọng hóa giải bất đồng

Hoàng Linh| 31/03/2023 07:05

(HNM) - Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla của Vương quốc Anh đã có chuyến công du tới Đức, đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Hoàng gia xứ sở Sương mù. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ đưa hai nước lại gần nhau hơn sau một thời gian dài tồn tại nhiều bất đồng.

Từ phải sang: Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Vua Anh Charles III, Hoàng hậu Anh Camilla và phu nhân Tổng thống Đức Elke Budenbender trong lễ đón chính thức tại Berlin (Đức).

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Đệ nhất phu nhân Elke Budenbender ngày 29-3 đã chào đón Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla của Anh bằng nghi thức trang trọng bậc nhất phía trước cổng Brandenburg, một trong những biểu tượng chính của thành phố Berlin, nơi gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của nước Đức.

Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 3 ngày (từ 29-3 đến 1-4), Vua Charles III gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz và có bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức trong ngày 30-3. Sự kiện lịch sử này đánh dấu lần đầu tiên một nhà vua phát biểu trước Quốc hội Đức. Sau đó, Vua Charles III cùng Tổng thống Đức đến thăm một đơn vị quân đội hỗn hợp giữa Anh và Đức tại bang Brandenburg, trước khi tham quan một dự án năng lượng tái tạo tại thành phố cảng Hamburg vào ngày 1-4.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Đức của Nhà vua Anh được xem là sự kiện đặc biệt ở mọi góc độ. Trước hết, chuyến thăm mang đậm dấu ấn gắn kết bởi nguồn gốc Đức của gia đình Hoàng gia Anh. Không chỉ thông thạo tiếng Đức, mà bản thân Vua Charles III cũng thường xuyên đến thăm Đức khi chưa lên ngôi. Trên nền tảng gần gũi, dễ thấy quyết định đến thăm Đức của Vua Charless III đóng góp lớn vào nỗ lực xây dựng cầu nối hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) của Anh với nền kinh tế số một châu Âu.

Cùng với đó, chuyến thăm là cơ hội để nhìn về phía trước và thể hiện nhiều cách mà hai nước đang hợp tác với nhau, cho dù đó là để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; tháo gỡ cuộc xung đột tại Ukraine; nắm bắt các cơ hội thương mại, đầu tư hoặc chia sẻ những gì tốt nhất về nghệ thuật và văn hóa của hai bên. Trong bài phát biểu bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức, Vua Charles III đã dành nhiều ngôn từ ca ngợi mối quan hệ song phương, nhấn mạnh việc có thể góp phần làm sâu sắc tình hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia là một “niềm vui lớn” đối với ông.

Thiện chí của Nhà vua nước Anh được phía Đức hoan nghênh. Việc lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia được tiếp đón chính thức tại cổng Brandenburg thay vì tại Schloss Bellevue - nơi ở chính thức của Tổng thống Đức - là sự thể hiện rõ nét tầm quan trọng của chuyến thăm đối với nước Đức. Trong phát biểu, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định, Vua Charles III đến thăm Đức là một “cử chỉ thiện chí” đánh giá cao tình hữu nghị thân thiết, chân thành giữa hai nhà nước và người dân hai nước. Cũng theo vị nguyên thủ nước Đức, những người dân sống ở Đức và châu Âu đều muốn có mối quan hệ thân thiết và gần gũi với nước Anh trong thời kỳ hậu Brexit.

Cũng theo các ý kiến phân tích, bên cạnh ý nghĩa ngoại giao, chuyến thăm lần này còn là cơ hội quan trọng để Anh tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hợp tác với Đức - vốn là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất của xứ sở Sương mù, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn của châu Âu cùng chịu nhiều áp lực trước những thay đổi của tình hình quốc tế và khu vực. Thực tế, những bất ổn đã khiến Anh tụt từ đối tác thương mại lớn thứ 5 của Đức xuống thứ 11 trong năm 2022. Tăng cường hợp tác với Đức cũng sẽ mở toang cánh cửa để London xây dựng lại cầu nối với các nước châu Âu, sau nhiều năm quan hệ căng thẳng do Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Có thể thấy, chuyến thăm lần này không chỉ hứa hẹn mở ra chương hợp tác nồng ấm và chặt chẽ mới giữa Anh và Đức sau nhiều năm vấp váp với nhiều bất ổn, mà nhìn từ mọi góc độ, đây có thể coi là tín hiệu tốt lành đối với toàn thể Lục địa già.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vua Charles III của Anh công du Đức: Kỳ vọng hóa giải bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.