Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vụ Lý Nhã Kỳ”: Công chúng phản ứng cũng là dễ hiểu

H.L| 30/09/2011 12:01

(HNMO) – Không phải ngẫu nhiên mà việc Lý Nhã Kỳ đột ngột được chọn làm Đại sứ du lịch lại bị phản ứng mạnh mẽ như vậy trong suốt mấy ngày qua...


Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) giải thích rằng, việc lựa chọn này được quyết định từ lâu và Lý Nhã Kỳ có điều điều kiện thời gian và kinh tế để đảm nhiệm vai trò này. Nhưng nếu việc xét duyệt này được thực hiện rõ ràng hơn thì có lẽ công chúng cũng không phản ứng quá như vậy.

Lý Nhã Kỳ được chọn là Đại sứ Du lịch không được sự ủng hộ của công chúng


Trước Lý Nhã Kỳ, nhiều nghệ sĩ của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế “chọn mặt gửi vàng” mời làm đại sứ. Gần đây nhất, là Mỹ Linh được Đại sứ quán Hàn Quốc mời làm đại sứ danh dự quảng bá du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngày 21/9, nữ ca sĩ Hồng Nhung vừa được mời giữ vai trò Tùy viên văn hóa của nước Cộng hòa Malta tại Việt Nam. Hay giọng ca trẻ Văn Mai Hương vừa đoạt Á quân cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam cũng đã được mời làm đại sứ quy nhất cho chiến dịch “Giờ trái đất” 2011… Thế nhưng, chưa ai bị phản ứng.

Trong khi đó, Lý Nhã Kỳ là người rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nếu so với nhiều nghệ sĩ khác thì cô có hẳn một bảng thành tích khá dày với vai trò đại sứ của nhiều chương trình, nhiều thương hiệu nổi tiếng như Đại sứ nụ cười tại Việt Nam cho tổ chức Operation Smile (từ 2009); là Phó chủ tịch quỹ từ thiện Sheenhok quốc tế và là chủ tịch Sheenhok tại Việt Nam… Ấy vậy mà cô vẫn không được dư luận ủng hộ. Điều này xem ra có phần trái ngược, nhưng nếu suy xét kỹ thì thấy phản ứng của dư luận cũng dễ hiểu.

Lý Nhã Kỳ được biết đến với nhiều scandal hơn là những hoạt động nghệ thuật


Ngày 20/9 Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 2995/QĐ-BVHTTDL về Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Trong Quy chế về Đại sứ Du lịch nêu rõ: “Các cá nhân tự ứng cử hoặc được cá nhân, tổ chức khác giới thiệu ứng cử lập hồ sơ có đơn đề nghị ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam gửi về Cục Hợp tác quốc tế Bộ VHTTDL để tập hợp, làm tờ trình, lấy ý kiến Bộ Ngoại giao, Tổng cục Du lịch, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan trước khi trình Bộ trưởng ra Quyết định bổ nhiệm”… Có nghĩa là, để chọn gương mặt Đại sứ du lịch Việt Nam, hồ sơ ứng cử của cá nhân phải trải qua nhiều cấp kiểm duyệt.

Vậy mà chỉ 1 ngày sau đó, Bộ đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-BVHTTDL về bổ nhiệm bà Trần Thị Thanh Nhàn (nghệ danh Lý Nhã Kỳ) là Đại sứ Du lịch Việt Nam. Cách làm việc “thần tốc” này khiến cho dư luận “nổi sóng” bởi không biết Lý Nhã Kỳ được nhắm vào vài trò Đại sứ từ khi nào.

Sau đó, Đại diện Bộ VHTT&DL giải thích rằng, việc lựa chọn Lý Nhã Kỳ đã được quyết định từ lâu và được xem xét khá kỹ trong số những gương mặt người mẫu, hoa hậu, ca sĩ... Nhưng xem ra, lời giải thích này vẫn khó “lọt tai” bởi nếu việc lựa chọn này có chủ đích từ trước thì tại sao vào ngày công bố gương mặt Đại sứ Du lịch, người của Tổng Cục du lịch lại “ngã ngửa” và “không biết Lý Nhã Kỳ là ai”.

Trong Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành phần tiêu chuẩn nêu rõ: “Tiêu chuẩn Đại sứ Du lịch Việt Nam là công dân Việt Nam, có lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cũng như lý lịch nhân thân tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có kinh nghiệm tham gia các hoạt động xã hội…”

Cứ chiếu theo tiêu chuẩn này thì xem ra Lý Nhã Kỳ còn cống hiến nhiều hơn nữa mới đạt được. Lý Nhã Kỳ từng được biết đến qua những bộ phim như: “Kiều nữ và đại gia” (đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc), “Tình yêu còn mãi” (Nguyễn Lê Dũng), “Chuyện tình yêu” (Xuân Phước), “Giá mua một Thượng đế” (Hồ Ngọc Xum), “Bước chân hoàn vũ” (Đoàn Quang), “Gió nghịch mùa” (Đặng Lưu Việt Bảo), “Vàng trong cát” (Đinh Thiên Phúc)… Nhưng hoạt động nghệ thuật của Lý Nhã Kỳ không để lại nhiều ấn tượng, nếu như không muốn nói cứ nhắc đến cô là công chúng chỉ nhớ đến những sự cố hở ngực, lộ vòng 1, hay scandal tình ái, trang phục phản cảm, những bài phỏng vấn ngô nghê…

Lý Nhã Kỳ trong hôm họp báo công bố Đại sứ Du lịch VN 2011


Biện minh cho việc quyết định lựa chọn Lý Nhã Kỳ bất chấp cô có scandal, đại diện Bộ VHTT&DL lý giải: Con người không ai hoàn thiện hết tất cả. Điều quan trọng là nhìn nhận vào những mặt tốt, xét trên tổng thể chứ đừng đi vào những khía cạnh nhỏ. Ngoài những sự cố đời tư, Lý Nhã Kỳ là người thông thạo tiếng tiếng Anh, tiếng Đức. Cô lại có mối quan hệ tốt với các tổ chức nước ngoài. Mặt khác, Lý Nhã Kỳ nhận vai trò này mà không đòi hỏi bất cứ điều gì ở nhà nước. Thậm chí, để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ, cô lo mọi chi phí.

Trong khi một số nghệ sĩ khác lại đòi hỏi cát - sê cao, như một ca sĩ giải trí nổi tiếng khi được mời biểu diễn trong tuần văn hóa Việt Nam tại Nga đã đòi cát - sê 2000 USD/đêm diễn. Để dư luận thêm phần yên tâm, đại diện Bộ VHTT&DL cũng khẳng định, nếu trong quá trình đương nhiệm Đại sứ Du lịch 2011, Lý Nhã Kỳ làm mất hình ảnh bằng scandal, Bộ sẽ tước danh hiệu Đại sứ của cô.

Lý Nhã Kỳ có thể có nhiều ưu thế khi làm Đại sứ Du lịch Việt Nam vì cô không đòi hỏi vật chất nhiều như các nghệ sĩ giải trí khác. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa, cô đã khiến công chúng xóa được những ấn tượng không đẹp về mình.

Điều đáng nói hơn là nếu như Bộ VHTT&DL thực hiện việc lựa chọn này rõ ràng và mở rộng hơn, thì dư luận chắc hẳn cũng được tỏ tường hay ít ra phía Tổng Cục du lịch Việt Nam cũng không quá ngỡ ngàng đến mức bày tỏ ý kiến trên báo. Nếu vừa ra quy chế với những điều khoản khắt khe, rồi ngày hôm sau lại có quyết định bổ nhiệm chóng vánh, đương nhiên công chúng phản ứng gay gắt cũng là lẽ thường tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vụ Lý Nhã Kỳ”: Công chúng phản ứng cũng là dễ hiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.