Cấp ủy, chính quyền các cấp cần gắn kết chặt chẽ với báo chí để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bởi trong nhiệm vụ chính trị quan trọng này, báo chí là “vũ khí” sắc bén và sẽ càng sắc bén hơn nếu có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp ủy tổ chức Đảng.
Những đóng góp của báo chí
Cách đây 5 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Kết luận số 23-KL/TƯ ngày 22-11-2017 về tăng cường chỉ đạo, quản lý vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tại Hà Nội, thực hiện kết luận này, Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thành phố xây dựng kế hoạch, mở các chuyên trang, chuyên mục; đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thành ủy đã tổ chức 2 giải báo chí hằng năm, trong đó có giải báo chí viết về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, qua đó tạo động lực cho báo chí đổi mới, sáng tạo, cống hiến.
Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm các cơ quan báo chí Hà Nội đã đăng tải, phát sóng khoảng 2.000 tin, bài, chương trình tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 100% cơ quan báo chí đã phân công phóng viên, xây dựng và duy trì đều đặn các chuyên trang, chuyên mục về nội dung này. Báo Hànộimới có các chuyên trang, chuyên mục như: “Làm theo gương Bác”, “Xây và chống”, “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, “Luận bàn và Hành động”, “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”; “Xây dựng Đảng”. Báo Kinh tế và Đô thị có các chuyên mục: “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có chuyên mục “Đảng trong cuộc sống”. Báo Lao động Thủ đô có các chuyên mục: “Đi và gặp”, “Gương sáng”...
Báo chí Hà Nội đã thông tin kịp thời, đa dạng về công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tuyên truyền kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếng nói của báo chí Thủ đô đã góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Báo chí Thủ đô còn tích cực phát hiện và tuyên truyền cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến, nhân tố mới, các tấm gương “Người tốt, việc tốt” với tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy xây làm cơ bản”.
Để thực sự là “vũ khí” sắc bén
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tổ chức thực hiện Kết luận số 23-KL/TƯ, song còn hạn chế, khuyết điểm rất đáng được quan tâm. Trong đó có tồn tại là việc cung cấp thông tin cho báo chí của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi không kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là những thông tin “nóng”. Thực trạng này ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền của các cơ quan báo chí về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong bối cảnh báo chí đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội.
Bên cạnh đó, để báo chí thực sự là “vũ khí” sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước hết, các cơ quan báo chí phải tự ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính nội bộ đơn vị mình; xây dựng cơ quan báo chí đoàn kết, văn hóa. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẳng định, báo chí Thủ đô cần tiếp tục đổi mới phương pháp làm báo, trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, chuyển đổi số, nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động; thể hiện rõ tính tư tưởng, tính khoa học, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng.
Làm thế nào để phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan báo chí? Câu trả lời là cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức về pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là đối với đội ngũ viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị; chú trọng công tác tham mưu, xử lý các vấn đề “nóng” mà báo chí phản ánh, dư luận quan tâm.
Cùng với tiếp tục thực hiện tốt các đề án, kế hoạch phát triển báo chí hiện nay, cần nghiên cứu, xây dựng các đề án, chiến lược phát triển hệ thống báo chí thành phố phù hợp với đặc thù của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố; quan tâm hỗ trợ các cơ quan báo chí về cơ sở vật chất, từng bước đầu tư phương tiện tác nghiệp cho phù hợp với xu thế làm báo hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.