Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặt vấn đề, trong trường hợp như hôm qua, nếu huy động trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu nhanh hơn...
Sáng nay (16/12), UBND thành phố Hà Nội triệu tập cuộc họp với các Sở, ngành rút kinh nghiệm về vụ cháy tòa tháp đôi (trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam), số 11 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội- Nguyễn Thế Thảo chủ trì cuộc họp.
Một số người đang mắc kẹt ra dấu hiệu bằng đèn pin từ trên tầng cao. |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến sáng nay, tình hình sức khỏe của các nạn nhân trong vụ cháy điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn không có gì đáng lo ngại: “Đến sáng nay vẫn còn 25 nạn nhân điều tại bệnh viện Xanh Pôn. Đến thời điểm này cơ bản không có bệnh nhân nào nguy kịch. Khi vào có một số trường hợp phải thở ôxy, nhưng sau khi xử lý thì số bệnh nhân cơ bản đã ổn định. Chúng tôi cũng có sự hướng dẫn để nếu có vấn đề gì thì họ sẽ liên hệ lại”.
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: ngoài khó khăn vì tắc đường do vụ cháy xảy ra từ đầu giờ cao điểm, thì việc nhà thầu và đơn vị thi công thiếu phương án, thiết bị phòng ngừa gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy cũng như cứu hộ.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, những hình ảnh như hôm qua "chấn động cả nước, như hình ảnh tháp đôi của Mỹ khiến nhiều người nao núng”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất: “Có thể phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng, khi xảy cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn”.
Ông Thảo cũng đặt vấn đề: “Không biết của mình đã điều đến trực thăng chưa? Trong trường hợp như hôm qua, nếu huy động trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu nhanh hơn. Sở PCCC cũng phải tính đến phương án này, bởi hiện có rất nhiều tòa nhà cao tầng nên vẫn có thể xảy ra những vụ việc như trên”.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội- Nguyễn Thế Thảo chỉ ra nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm sau vụ cháy, cũng như những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy ở Thủ đô, nhất là tại các công trình đang xây dựng và nhà cao tầng.
Ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, khâu quản lý tổ chức thi công, kiểm duyệt thiết kế và giám sát thi công chưa quan tâm đến phương án phòng cháy chữa cháy, để xảy ra tình trạng, xung quanh tòa nhà của Điện lực Việt Nam không có bể nước và đống cát dự phòng cứu hỏa; không có thang phụ và lối thoát hiểm; rồi đường vào công trình nhỏ hẹp nên xe thang gần 20 tầng của lực lượng cứ hộ chỉ tiếp cận được đến tầng 14.
Ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu: “Sở Cảnh sát PCCC phải xây dựng tình huống và tăng cường diễn tập trong hoàn cảnh này, đòi hỏi sự phối hợp các lực lượng, chú trọng phương án, trang thiết bị mua sắm, kể cả thả máy bay trực thăng, thang an toàn. Sở Công Thương, Sở Lao động Thương binh xã hội, Sở Xây dựng, Sở Cảnh sát PCCC phải kiểm tra tất cả các công trình đang thi công hiện nay về biện pháp kỹ thuật, an toàn điện”.
Từ vụ cháy xảy ra chiều qua tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều vụ nổ bình ga, xe máy tự bốc cháy thời gian qua, ông Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo Cảnh sát hình sự sớm điều tra nguyên nhân của vụ cháy. Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thanh tra về phương án kỹ thuật phòng chống cháy nổ. Sở Xây dựng thanh tra về biện pháp thi công để xác định trách nhiệm của đơn vị cá nhân liên quan.
Tại cuộc họp, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: vụ cháy có thể do chập điện hoặc do bất cẩn trong thi công như sơ suất trong hàn xì và hút thuốc lá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.