Lần đầu tiên kể từ khi bùng phát xung đột giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông (tháng 10-2023) và chỉ hơn một tháng sau khi Iran trả đũa việc bị Israel tấn công, Mỹ và Iran lại đàm phán gián tiếp tại Oman.
Vòng đàm phán này diễn ra trước khi xảy ra vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Iran cùng đoàn tùy tùng bị thiệt mạng. Vụ tai nạn thảm khốc này đưa lại nhiều bất định khó lường về chính trị nội bộ ở Iran và về chính trị an ninh thế giới cũng như khu vực. Vì thế, việc Mỹ và Iran nối lại các cuộc thương thảo ngoại giao gián tiếp có ý nghĩa cũng như mức độ tác động thêm đặc biệt với an ninh khu vực Trung Đông.
Cho tới nay, trên chương trình nghị sự của các vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran luôn có hai chủ đề - nội dung trọng tâm. Đó là Mỹ đòi Iran chấm dứt chương trình hạt nhân và Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ mọi biện pháp chính sách trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Trong bối cảnh tình hình xung đột giữa Hamas và Israel đang diễn biến phức tạp cũng như dưới tác động của việc Iran đã và luôn sẵn sàng hành động quân sự nhằm trực tiếp vào lãnh thổ Israel, Mỹ càng có lý do duy trì kênh thương thảo ngoại giao này với Iran. Từ đó, vừa tiếp tục kiềm chế Iran tiếp tục thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân vừa ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung khắc quân sự trực tiếp giữa Israel và Iran. Đặc biệt, nguy cơ chiến tranh giữa Israel và Iran có thể tác động mạnh đến khắp khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Đồng thời cũng khiến quân đội Mỹ, các căn cứ quân sự cũng như những lợi ích chiến lược cơ bản, lâu dài của Mỹ ở khu vực thêm nhiều nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng vũ trang Hồi giáo mà Mỹ cho là thân với Iran hoặc được Iran hậu thuẫn về chính trị, quân sự, tài chính.
Trong danh sách của Mỹ về những lực lượng vốn thù địch với Mỹ có Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, phe phiến quân người Houthis ở Yemen và những tổ chức, lực lượng vũ trang Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq, Syria và Libya. Những lực lượng và tổ chức này cũng đối địch Israel không khác gì đối địch Mỹ. Vì thế, nếu muốn tiếp tục bảo vệ và hậu thuẫn Israel thì Mỹ càng cần ngăn chặn Iran chống lưng về mọi phương diện cho các lực lượng, tổ chức kia.
Iran cũng có nhu cầu thiết thực với việc duy trì tiếp xúc và trao đổi gián tiếp với Mỹ bởi chỉ nhờ vào đấy mới có thể buộc Mỹ phải chấm dứt các biện pháp chính sách trừng phạt Iran mà không cần phải thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân đến tận cùng. Cả Mỹ và Iran đều thừa biết rằng những con chủ bài sáng giá nhất của họ trong xử lý mối quan hệ song phương này phát huy được tác dụng và tạo hiệu ứng tối đa không phải trên thực địa mà trong các khuôn khổ đàm phán ngoại giao trực tiếp cũng như gián tiếp với nhau.
Hai bên níu kéo nhau vào khuôn khổ đàm phán này còn vì hiện chưa thể biết cuộc chiến giữa Israel và Hamas còn dai dẳng bao lâu và sẽ kết thúc như thế nào cũng như sẽ có hay không có sự thay đổi tổng thống ở nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống sắp đến.
Cả Iran và chính quyền hiện tại ở Mỹ đều chủ ý tạo dựng nên nhiều sự đã rồi. Qua đó, nếu ở Mỹ không thay đổi tổng thống thì sẽ có đà để tiếp tục chính sách đối ngoại hiện hành, còn nếu thay đổi tổng thống thì vị tổng thống mới không dễ làm đảo ngược tất cả những gì người tiền nhiệm đã đạt được. Trong khi đó, Iran lại có thể thủ thế chắc chắn, sẵn sàng ứng phó với kịch bản thay đổi tổng thống ở Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.