Hơn 900.000 người, tương đương gần 40% dân số Gaza, buộc phải di dời chỉ trong 2 tuần gần đây.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc phát cảnh báo về nguy cơ tình trạng suy dinh dưỡng thêm nghiêm trọng và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, trong bối cảnh dân thường phải di dời đến những khu vực thiếu lương thực, nước uống và các dịch vụ cơ bản khác.
Theo Aljazeera, người Palestine trên khắp Gaza đang phải đối mặt với nguồn cung cấp ngày càng cạn kiệt khi các lực lượng Israel tiếp tục áp đặt lệnh phong tỏa, cản trở việc tiếp nhận hàng viện trợ tại một số cửa khẩu, bao gồm cả cửa khẩu Rafah vốn là một trong những điểm trung chuyển quan trọng.
BBC cho biết, hơn 3/4 lãnh thổ Gaza đã được quân đội Israel chỉ định là khu vực sơ tán kể từ khi quốc gia này phát động chiến dịch tấn công phong trào Hamas hồi tháng 10-2023. Các điểm sơ tán có diện tích lên đến 281km2, tương đương 77% tổng diện tích vùng lãnh thổ đang chìm trong xung đột.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đang bảo vệ dân thường thông qua việc hướng dẫn sơ tán đến những khu vực an toàn hơn.
“IDF cam kết tuân thủ và hoạt động dựa trên luật pháp quốc tế”, tuyên bố của lực lượng này nêu rõ.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ khác đều nhấn mạnh rằng không có khu vực an toàn nào cho khoảng 2 triệu dân thường ở Gaza, đồng thời, đặt câu hỏi về tính phù hợp của một “khu vực nhân đạo” do IDF chỉ định.
Cập nhật tình hình viện trợ nhân đạo, Times of Israel thông tin, hơn 569 tấn hàng cứu trợ đã được chuyển đến Gaza sau khi một bến tàu do quân đội Mỹ xây dựng đi vào hoạt động.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (USCENTCOM) xác nhận, số hàng viện trợ kể trên do Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác tài trợ.
“Bến tàu là giải pháp tạm thời để tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Gaza nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân Palestine”, USCENTCOM tuyên bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.