Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vốn liếng về đề tài biển đảo vẫn dồi dào

19/11/2014 06:55

(HNM) - Tập truyện và ký


- Thưa nhà văn, 11 bút ký trong cuốn sách thì có đến 8 bút ký được viết sau chuyến đi thực tế biển đảo Trường Sa năm nay. Chuyến đi chỉ hơn 10 ngày, ông đã khai thác thông tin, tư liệu theo cách nào?

- Tôi may mắn có 9 năm làm việc trong lực lượng hải quân, dù quãng thời gian đó cũng đã lâu rồi, từ 1978 đến 1987, nhưng ấn tượng, cảm xúc đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi lần đi thực tế, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ hải quân là tôi lại thấy như về nhà mình. Đó là một lợi thế. Ngoài ra, bản thân cũng ý thức được tuổi tác không còn cho phép mình được "lăn lóc" như anh em trẻ nữa, nên tôi chịu khó đọc trước tài liệu. Thực tế biển đảo mà mình gặp sẽ là sự kiểm chứng, bổ sung đề tài mình quan tâm và phát triển các ý tứ cho tác phẩm.

- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc những điều tâm đắc?

- Tôi luôn phải bám vào những chi tiết của đời thực. Kể cả hư cấu khi viết truyện ngắn thì cũng phải dựa trên nền hiện thực, làm sao càng chân thực càng tốt. Nhưng hư cấu thế nào để cột chặt niềm tin của người đọc vào đó thì mới thành công, chứ để người đọc thấy ngờ ngợ thì coi như mình "bại". Ví dụ như trong truyện ngắn "Chim biển", tôi không nói về sự mơ mộng do những cánh chim gợi lên, mà kể chuyện ra Trường Sa ngày trước... Khi những đàn chim tụ về đảo, phân chim phủ khắp nơi, tanh ngòm, bọ chim mà đốt thì sưng tấy hết cả mặt mũi. Trong bút ký "Bâng khuâng đảo Sơn Ca", tên đảo đẹp là thế nhưng giờ không còn sơn ca đâu, chỉ có những con chim lớn từ phương Bắc bay về tránh rét, phân chim bám đầy mái tôn. Anh em phải dọn rất khổ, để nguồn nước mưa quý giá rơi xuống mái, dẫn theo ống máng đến bể dự trữ không bị bẩn. Vì nước ngọt ở đảo Sơn Ca vẫn phải "ngóng trời" là chính…

- Nhiều người cùng viết về đề tài biển đảo. Ông phải làm thế nào để tránh sự trùng lặp?

- Cố gắng tìm những nét riêng ở nơi mình đến, ở những con người mình gặp. Đương nhiên, rất có thể người khác cũng hỏi, cũng gặp như mình, cho nên phải móc nối các chi tiết vốn đa dạng để tạo thành cấu tứ của mình, cũng như đi sâu vào một địa điểm, không gian nào đó. Sau chuyến thực tế vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay, mỗi bút ký tôi lại viết về một đảo với những nét riêng mà tôi thấy là độc đáo.

- Dường như đề tài biển đảo vẫn và sẽ là một mảng quan trọng trong sáng tác của ông?

- Những năm tháng ở trong hải quân, tôi trải qua nhiều vị trí công tác, từ đi thực tế với lính pháo binh hải quân ở đảo Vạn Hoa trong quần đảo Cái Bầu năm 1979, đến theo lữ đoàn hải quân đánh bộ vào phía nam, sau đó đi đào tạo thuyền phó chính trị, rồi qua rất nhiều đảo...

Những năm làm cán bộ Hội VHNT tỉnh Nam Định và tạp chí của hội, công tác tổ chức cuốn đi nhiều thời gian quá, nhưng biển đảo vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Mấy năm qua, sau khi nghỉ hưu, lên Hà Nội sống, được thảnh thơi nên tôi viết một loạt, đương nhiên là nhiều mảng đề tài khác nữa. Tôi vừa viết xong bút ký về những ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa cho Ban chuyên đề - Hội Nhà văn Việt Nam để tham dự cuộc vận động sáng tác về đề tài giao thông vận tải. Hiện giờ tôi thấy vốn liếng của mình vẫn dồi dào và có thể tiếp tục trong điều kiện sức khỏe tốt.

- Xin cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn liếng về đề tài biển đảo vẫn dồi dào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.