Chỉ sau khi biết thông tin hàng loạt công ty bán phần mềm gián điệp bị phanh phui, chị Hoa mới giật mình khi phát hiện điện thoại của mình cũng đang bị cài phần mềm dạng này.
Từng nghi ngờ chồng theo dõi mình suốt một năm qua do lộ nhiều thông tin khá bí mật nhưng phải tới khi báo chí thông tin về hành vi phạm pháp của các công ty cài phần mềm gián điệp, chị Hoa (Nguyễn Hữu Cảnh, Hà Nội) mới tức tốc tìm gặp một người am hiểu để nhờ kiểm tra điện thoại. Thực tế, điện thoại của chị đúng là đang bị cài đặt phần mềm Spy.Locator và phải xóa đi cài lại toàn bộ máy. Sau khi tra hỏi, chồng chị cho biết vì ghen nên quyết định nhờ tới dịch vụ này để bí mật kiểm soát vợ.
Không khó để tìm kiếm nơi cung cấp phần mềm nghe lén. |
Chị Hoa cũng không phải nạn nhân duy nhất bởi hiện nay nhiều người giống như chồng chị có ý định theo dõi vợ; hoặc vợ kiểm soát chồng; vợ chồng theo dõi con cái, đối tác. Công nghệ phát triển càng giúp có cách để theo dõi, định vị, như bỏ con chip xác định vị trí, máy ghi âm giả dạng bật lửa, đồ trang trí vào trong túi xách, cốp xe... nhưng phổ biến nhất vẫn là cài phần mềm vào điện thoại. Cách thức này có độ chính xác cao, tận dụng phần cứng tốt có sẵn và thường đảm bảo được nạn nhân sẽ mang theo người.
Chỉ cần đánh từ khóa "phần mềm nghe lén" trên Google, sẽ có tới hàng trăm nghìn kết quả trả về. Trong đó, có nhiều trang web lập ra để quảng bá dịch vụ cùng lời hứa hẹn cài đặt dễ dàng, chi phí rẻ, độ chính xác và an toàn cao. Giá dịch vụ mỗi tháng thường dao động từ một đến hai triệu đồng với điện thoại Android trong khi với iPhone thì cao hơn là từ 3 đến 4 triệu đồng và còn tùy thuộc cả vào phiên bản iOS do cách thức cài đặt khó hơn. Khách hàng khi đó sẽ mua theo gói tối thiểu 3 tháng hoặc nhiều hơn và được hỗ trợ sử dụng miễn phí.
Người có nhu cầu sẽ chọn cách để cài đặt vào máy của nạn nhân như tự làm theo hướng dẫn trên trang web hoặc được nhận đường dẫn tải phần mềm qua tin nhắn rồi nghe hướng dẫn từ xa. Hai cách thức này đòi hỏi có một chút kiến thức về điện thoại nhưng người bán không phải ra mặt trong khi khách mua cũng được lợi vì chỉ cần cầm điện thoại của nạn nhân trong thời gian ngắn. Cách cuối cùng là có thể đem điện thoại gặp trực tiếp người bán để được cài đặt và hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, với cách thức nào, người mua cũng cần một mã code nhập để bên bán quản lý tài khoản và thu tiền.
Các phần mềm kiểu Ptracker sau khi cài đặt sẽ tự ẩn mình nên rất khó phát hiện. Ứng dụng sẽ tự động ghi âm hai chiều mọi cuộc gọi đến và đi, đọc nội dung tin nhắn, xem ảnh, danh bạ, nhật ký cuộc gọi, thông báo khi điện thoại mở lại (nếu đang tắt), xác định vị trí và lộ trình của thiết bị. Ngay cả khi không sử dụng đến điện thoại và bỏ trong túi quần, túi xách, phần mềm cũng có thể được điều khiển từ xa để ghi âm môi trường xung quanh. Tất cả thông tin này được gửi lên máy chủ của bên cung cấp (qua Wi-Fi hoặc 3G) và khách hàng có thể truy cập để xem hoặc nhận được thông báo về điện thoại của mình từ bất kỳ đâu.
Tuy không xuất hiện trong danh sách phần mềm nhưng nếu để ý các thay đổi, sẽ không quá khó để bất kỳ ai phát hiện mình đang bị theo dõi. Ứng dụng tuy ẩn mình nhưng vẫn chạy ngầm nên sẽ tiêu tốn pin nhiều hơn, gây nóng máy, tiêu tốn thêm chi phí 3G để gửi dữ liệu thu được về máy chủ. Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu lạ như bỗng dưng máy nhanh hết pin, chạy chậm hơn, thường xuyên nóng lên dù không dùng nhiều, chi phí cho 3G tăng đột biến thì cần phải có các nghi ngờ về điện thoại của mình có thể bị cài đặt phần mềm theo dõi, nghe lén.
Mở chế độ máy bay, tắt kết nối 3G, Wi-Fi hoặc tắt tính năng định vị sẽ không có tác dụng phòng tránh bởi phần lớn các phần mềm theo dõi đều có thể tự mở lại các tính năng này khi cần thu thập. Tốt nhất, người dùng nên tắt hẳn điện thoại khi nhận ra các dấu hiệu bất thường để tránh tiếp tục bị lấy thông tin. Để khắc phục sau đó cần sao lưu các dữ liệu cần thiết rồi thực hiện xóa trắng (reset) toàn bộ máy từ đầu.
Các máy Android dễ cài đặt phần mềm theo dõi hơn iPhone do hệ điều hành của Apple thường cần phải bẻ khóa jailbreak. Người dùng nên cẩn trọng khi cho mượn máy, nên đặt mật khẩu khóa máy thường xuyên và không tiết lộ cho ai là cách đề phòng hữu hiệu nhất.
Theo luật, việc ngăn chặn khả năng của người dùng điện thoại xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng phần mềm gián điệp vi phạm khoản 4 điều 71 – Luật Công nghệ thông tin; hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số vi phạm khoản 5 điều 71 – Luật Công nghệ thông tin; hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại vi phạm điểm đ, khoản 2 điều 72 – Luật Công nghệ thông tin.
Trong tuần qua, phòng CSĐT tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM đã tạm giữ Giám đốc công ty cung cấp thông tin Việt Star để điều tra hành vi cài phần mềm "gián điệp". Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, một vụ việc khác cũng gây rúng động khi Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng bị xử lý với tội danh tương tự khi đã cài đặt thành công tới 14.000 tài khoản phần mềm nghe lén Ptracker cho khách hàng tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.