(HNMO) - Ngày 22-12, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của VNPT, tổng doanh thu tập đoàn đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2%, đạt 97,5% kế hoạch; lợi nhuận đạt 6.629 tỷ đồng, bằng 104,6% kế hoạch. VNPT nộp ngân sách nhà nước đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 9,35%. Đồng thời bảo đảm 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động.
Trong đó, doanh thu dịch vụ băng rộng cố định duy trì mức tăng trưởng 6% trong năm 2022, giữ vững thị phần vị trí số 1 trong các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay (39,06% thị phần). Dịch vụ truyền hình trả tiền có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20% (trong 3 năm 2020-2022) và chiếm vị trí số 1 về thị phần. Doanh thu một số nhóm dịch vụ số có mức tăng khả quan như, hạ tầng số (tăng 57%), giáo dục số (tăng 74%), quản trị doanh nghiệp (tăng 68%). Đáng chú ý, năm 2022, VNPT đã hoàn thành phủ sóng 211 thôn bản trắng sóng và đã chia sẻ hơn 4.000 cơ sở hạ tầng di động dùng chung với các nhà mạng khác.
Đạt được những kết quả trên, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Tô Dũng Thái là do VNPT đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ, đặc biệt trong điều hành kinh doanh và tiền lương. Trong đó, VNPT áp dụng cơ chế tính lương được thay đổi theo hướng giảm quỹ tiền lương duy trì, tăng quỹ tiền lương cho phát triển, từ đó tạo động lực để các đơn vị, cá nhân tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động.
Nhờ đó, năng suất lao động năm 2022 tiếp tục được cải thiện, tăng 3,6% so với năm 2021, từ 1.526 tỷ đồng/người lên 1.581 tỷ đồng/người năm 2022.
Về định hướng hoạt động năm 2023, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, tập đoàn sẽ thực hiện 4 nội dung trọng tâm.
Về tổ chức kinh doanh dịch vụ di động, VNPT sẽ tiếp tục với nội dung liên quan đến dữ liệu như: Áp dụng phân tích dữ liệu, dự báo thuê bao có thể chuẩn bị rời mạng để kiểm soát tỷ lệ hủy; thực hiện yêu cầu trách nhiệm đến cấp cá nhân về chất lượng mạng tại địa bàn để đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.
Đối với dịch vụ băng rộng cố định và MyTV, Tập đoàn tiếp tục đầu tư bổ sung năng lực mạng lõi, đường trục, bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; phát triển tốt hơn hệ sinh thái sản phẩm cho hộ gia đình.
Với mảng dịch vụ số cho chính quyền, doanh nghiệp, VNPT tiếp tục chủ động trong các hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Cùng với đó, Tập đoàn tiếp tục giải pháp về cơ chế chi phí, tiền lương, tiền thưởng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.