(HNM) - Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa được Bộ Công an khai trương là hệ thống nền tảng giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại. Với vai trò là đối tác chủ trì công nghệ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã dốc sức xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng, của đất nước.
Khi đi vào vận hành, khai thác, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân, đặc biệt là giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ. Cùng với đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ có thể được bãi bỏ để chuyển sang quản lý bằng dữ liệu điện tử khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng, đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia.
Cụ thể, hệ thống quản lý thông tin của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến trung ương, bảo đảm lượng người truy nhập hơn 40.000 người cùng lúc. Vì vậy, để giải bài toán phức tạp này, VNPT với vai trò là chủ trì công nghệ đã cùng với các đối tác trong liên danh (GTEL-ICT và Hadic) đã dốc sức triển khai.
“Chúng tôi đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất cùng các đối tác gấp rút triển khai bảo đảm tiến độ, đạt hiệu quả nhất”, ông Huỳnh Quang Liêm chia sẻ. Với tiến độ “thần tốc” trong 5 tháng (từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021), VNPT và liên danh đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống, triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ, chiến sĩ công an sử dụng hệ thống. Đồng thời huy động lên tới 780 giảng viên nội bộ đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội từ trung ương đến địa phương để nắm vững nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành hiệu quả hệ thống.
Cùng với đó, VNPT đã phát triển 13 phần mềm cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, VNPT đã hoàn thành việc tổ chức đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng, gồm: Quản trị ứng dụng; cư trú; quản lý tàng thư nhân khẩu, hộ khẩu; quản lý biến động về dân cư; báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư; cổng thông tin dân cư; thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm; cung cấp dịch vụ dân cư. VNPT đã hoàn thành đào tạo cho hàng chục nghìn học viên là chiến sĩ công an về vận hành các ứng dụng trên hệ thống.
Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cũng khẳng định, cùng với các đối tác, VNPT xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư một cách bài bản, đầu tư công nghệ tốt nhất, bảo đảm hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ.
Với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số), các hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là “chìa khóa” giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
“Tầm quan trọng của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là không thể phủ nhận, do đó được tham gia vào dự án này là vinh dự và trách nhiệm của VNPT. Qua việc triển khai thành công dự án, một lần nữa VNPT tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam”, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.