(HNMO) - Kịch bản xấu lại xảy ra với thị trường chứng khoán trong nước khi nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm mạnh, ảnh hưởng đến toàn thị trường. Kết thúc phiên, VN-Index giảm tới hơn 12 điểm.
Trước giờ mở cửa hôm nay (16/12), thị trường đón nhận thông tin không vui khi giá dầu trên thị trường quốc tế tiếp tục lập đáy mới. Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2015 ngày 15/12 giảm 1,9 USD, xuống 55,91 USD/thùng-mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009; giá dầu Brent giao tháng 1/2015 hạ gần 1 USD, còn 61,06 USD/thùng. Giá mặt hàng này giảm sau khi UAE tuyên bố OPEC sẽ không giảm sản lượng để nâng giá. Như vậy, giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ khi OPEC quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng trong phiên họp hôm 27/11 vừa qua.
Hầu hết cổ phiếu lớn giảm giá. (ảnh chụp bảng giao dịch điện tử TP HCM) |
Thông tin trên ngay lập tức tác động đến cổ phiếu dầu khí trong nước. Và nhóm cổ phiếu này ngay lập tức trở thành tâm điểm của thị trường, ảnh hưởng đến các cổ phiếu khác.
Ở cả 3 đợt khớp lệnh, VN-Index đều đi xuống. Đáng nói là, ở phiên chiều chỉ số giảm mạnh hơn phiên sáng. Nếu như đợt khớp lệnh 1 VN-Index chỉ hạ 2,6 điểm, tương ứng 0,47%, còn 545,33 điểm thì đợt khớp lệnh liên tục mất 12,81 điểm, còn 535,12 điểm. Đến đợt khớp lệnh cuối, lực bán của thị trường duy trì mạnh khiến thị trường tiếp tục giảm sâu. Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 12,79 điểm, tương ứng 2,33%, còn 535,14 điểm; VN30-Index còn 591,78 điểm, mất 12,14 điểm (-2,01%).
Nhà đầu tư đẩy mạnh xả hàng nhóm cổ phiếu ngành dầu khí khiến nhóm này đồng loạt xuống giá, trong đó có mã giảm hết biên độ. GAS-mã lớn nhất thị trường-giảm kịch sàn 4.500 đồng, xuống 64.500 đồng mỗi cổ phiếu; PVD hạ 3.500 đồng/cổ phiếu, PVT, PXI giảm lần lượt 300 đồng và 400 đồng/cổ phiếu, PXL hạ sàn 200 đồng/cổ phiếu, PXS giảm hết biên độ 1.600 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu này giảm mạnh đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị dao động và họ đẩy mạnh bán ra các cổ phiếu khác không kể là cổ phiếu lớn hay nhỏ. Thị trường ghi nhận 208 giảm giá, nhiều gấp 5 lần số mã tăng giá (40 mã). Tại nhóm cổ phiếu lớn, chỉ EIB và VCB lên giá, lần lượt ghi 100 đồng/cổ phiếu và 200 đồng/cổ phiếu, IJC giữ giá tham chiếu, còn lại đồng loạt đi xuống.
Thanh khoản tăng mạnh so với phiên hôm qua, đạt gần 130 triệu cổ phiếu và xấp xỉ 2.500 tỷ đồng. Đây là điều đáng chú ý bởi một phần cho thấy lực bắt đáy khá mạnh, một phần thể hiện lực xả hàng rất lớn.
Trên sàn Hà Nội, đa số cổ phiếu họ nhà dầu khi giảm giá. Với 55 mã đi lên, 176 mã đi xuống, các chỉ số giảm khá mạnh: HNX-Index giảm 1,6 điểm, tương ứng 1,9%, còn 82,64 điểm; HNXFF-Index mất 1,79 điểm, xuống 82,44 điểm; HNX30-Index về 161,7 điểm sau khi hạ 4,7 điểm; HNX30TRI-Index mất tới 5,32 điểm, còn 183,03 điểm…Toàn thị trường có gần 63 triệu cổ phiếu và hơn 800 tỷ đồng được chuyển nhượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.