(HNM) - Trong xã hội Việt Nam, người thầy luôn được kính trọng bằng tất cả tấm lòng. Trong suốt sự nghiệp "trồng người", người thầy luôn khẳng định giá trị cao cả của nghề giáo trong xã hội bằng tri thức, đạo đức trước các thế hệ học trò thân yêu…
Đứng ở vị thế là một nhà giáo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh, trăn trở đầu tiên của ông sau khi nhận trọng trách này là những suy nghĩ về nghề và sự nghiệp của các nhà giáo. Ngày 10-4-2021, trong thư gửi đội ngũ giáo viên cả nước, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã viết: “Ngành Giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là nghề vinh quang... Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng và tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng...".
"Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta khi nói về đạo lý thầy trò. Song, trên hết là phản ánh một cách sâu sắc về công việc của người thầy, một nghề đặc biệt quan trọng, bởi đối tượng lao động chính là nhân cách, tâm hồn, trí tuệ con người. “Sản phẩm” của nghề giáo cũng rất đặc biệt, đó là học trò - khi qua bàn tay rèn cặp của người thầy sẽ hội tụ đầy đủ “Trí - Đức - Thể - Mỹ”, giúp mỗi người trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Thầy - trò, sự gắn kết vừa có tính biện chứng, vừa hàm chứa những tâm tư, tình cảm trọn vẹn, tính nhân văn sâu sắc.
Trên bước đường phát triển của một quốc gia, dân tộc, nhà giáo luôn giữ một vai trò rất hệ trọng là “trồng người”, vun đắp cho tương lai. Người ta vẫn nói đến đạo lý “Lương sư, hưng quốc”, có thể hiểu một cách nôm na là "Quốc gia có những người thầy giỏi, có một nền giáo dục tốt thì sẽ hưng thịnh".
Vì thế, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: “Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành Giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”.
Xã hội hiện đại đang biến đổi từng ngày, kéo theo đó là những tác động mạnh mẽ đến ngành Giáo dục, mà trước hết là đội ngũ giáo viên. Bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, một số nhức nhối vẫn còn đó, khiến chúng ta không khỏi ưu tư, suy nghĩ… Đó là “biến tướng” dạy thêm, học thêm; bạo lực học đường; chính sách đãi ngộ chưa tương xứng với nhà giáo; điều kiện dạy học ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…
Nói vậy để thấy, đạo đức, nhân cách, trọng trách của người thầy là “đưa đường, chỉ lối”, trong mọi trường hợp phải hướng đến cái đẹp, lan tỏa tri thức, gìn giữ cho được “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”.
Dân tộc ta đã có những người thầy được lịch sử lưu danh, các thế hệ học trò đặc biệt kính trọng. Đó là thầy giáo Chu Văn An - người được tôn là “vạn thế sư biểu” - người thầy chuẩn mực muôn đời. Hay hình ảnh người thầy giản dị Nguyễn Ngọc Ký có tình yêu và niềm đam mê bao la với nghề giáo, dù ông bị tật nguyền. Nghị lực của thầy Ký đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh thân yêu.
Cũng nói về nhiệm vụ của người thầy, người đứng đầu ngành Giáo dục, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự trăn trở: “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được gìn giữ. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm”.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vị thế của người thầy càng quan trọng hơn bao giờ hết. Người thầy chính là người đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng - tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hùng cường theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn phải giáo dục đạo đức, nhân cách, giúp học trò trưởng thành về nhiều mặt, trở thành người có ích cho xã hội, chủ nhân tương lai của đất nước. Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà nhà giáo soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh, xã hội kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, chắc chắn người thầy sẽ ngày càng có vị thế xứng đáng trong xã hội.
Nhiệm vụ rất đỗi vinh quang, song cũng là trọng trách nặng nề đặt lên vai người thầy!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.