(HNM) - Dù nay đã ở tuổi
Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu Vũ Oanh ngày ấy, giờ đã ngoài 90 tuổi, nhưng ký ức về những ngày Thu lịch sử năm 1945 vẫn nguyên vẹn trong tâm trí. Ông chính là người đứng ra thành lập Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, tổ chức nhiều hoạt động cho tới khi giành chính quyền. Ông Vũ Oanh cho biết: "Hồi đó, tôi hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Địch tổ chức mít tinh, tuyên truyền ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Thanh niên Hoàng Diệu đã tham gia cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh. Từ đây đã tạo bước nhảy vọt, tiến tới Tổng khởi nghĩa thành công".
Ông Nguyễn Hữu Phúc được biết đến với cái tên Lê Đức Vân trong những ngày hoạt động tại Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu nhớ lại: Trước yêu cầu của cách mạng, tháng 8-1944, tại số 46 Bát Đàn, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập với gần 60 đoàn viên, trong đó nhiều người là học sinh trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang... Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, thành viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu phối hợp với các lực lượng cách mạng khác tiến hành khởi nghĩa, tạo niềm tin và sức mạnh lan tỏa để các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Những hoạt động như: Phát truyền đơn, công khai tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các khu vực đông người, tổ chức mít tinh, diễn thuyết... của thành viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã góp phần làm cho tinh thần quân địch hoang mang.
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, người trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những ngày đầu khởi nghĩa viết: Hà Nội khởi nghĩa sớm hơn một số tỉnh khác, nhất là các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế... là do trong khi ta đang gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa thì được tin địch sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn vào chiều 17-8 để ủng hộ chính phủ bù nhìn thân Nhật. Ngay lập tức, Thành ủy chủ trương huy động đông đảo quần chúng cứu quốc do các đội tự vệ và tuyên truyền xung phong làm nòng cốt để biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc mít tinh của ta. Cuộc mít tinh của địch vừa bắt đầu thì ta bất ngờ chiếm lấy diễn đàn, buông lá cờ đỏ sao vàng từ gác Nhà hát Lớn xuống, đại diện Việt Minh đứng lên diễn thuyết, báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, kêu gọi nhân dân đứng lên ủng hộ Việt Minh, đánh đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình tuần hành của quảng đại quần chúng, đi qua các phố lớn... Ngày 19-8, một ngày lịch sử vĩ đại, một ngày chủ nhật đẹp trời cả nghĩa đen và nghĩa bóng… Đêm hôm đó, Hà Nội tưng bừng không khí ngày hội chiến thắng lớn. Cả Hà Nội sáng rực ánh đèn và màu cờ đỏ chói, ghi lại ngày lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân Hà Nội cùng cả nước giành chính quyền thắng lợi trong điều kiện bị quân thù bao vây tứ phía…
Sau Cách mạng Tháng Tám, hầu hết đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia cuộc Kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp, để có ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, rồi lại tiếp tục bước vào cuộc Kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày Thống nhất đất nước 30-4-1975. Tham gia nhiều trận chiến nhưng những ngày Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội và hình ảnh hàng chục nghìn người tập trung tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vẫn là ký ức đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi chiến sĩ thành Hoàng Diệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.