Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vĩnh Phúc cần gắn cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội

Theo TTXVN| 14/07/2020 06:57

(HNM) - Ngày 13-7, Đoàn kiểm tra của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về công tác cải cách hành chính và chính sách dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính như: Tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết của 825 thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính chậm; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương...

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và Đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phải phát huy được các tiềm năng, thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Cùng với đó, tỉnh cần gắn cải cách hành chính, thực hiện các chính sách dân tộc với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc cần gắn cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.