(HNM) - Có lẽ, ít có quốc gia nào trên thế giới cây lúa, hạt gạo lại gắn bó thân thiết với người dân như ở nước ta. Những hạt vàng đó đang tạo nên diện mạo mới cho đất nước, đưa nền kinh tế nước nhà lên ngôi vị thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội lúa gạo quốc tế lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: "Sản xuất lúa gạo gắn liền với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (VN). Cây lúa có vị trí rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người VN...".
Tiềm năng gạo Việt Nam
Nông dân tỉnh Hậu Giang bốc xếp gạo xuất khẩu.
Năm 2010 được coi là năm vàng cho xuất khẩu gạo ở VN đạt 6,8 triệu tấn gạo, tăng 14,6% so với năm trước và thu về hơn 3,2 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu gạo VN chạm đích và vượt 3 tỷ USD kể từ khi tham gia thị trường thế giới. Có lúc giá gạo VN đã bằng, thậm chí vượt hơn giá gạo của nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Thái Lan. Với số lượng xuất khẩu đó, hiện gạo VN chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu thế giới. Trong cộng đồng quốc tế, VN được biết đến với nền sản xuất lúa gạo hiệu quả, bền vững góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Khái quát về thành tựu của cây lúa VN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong hơn 20 năm qua, năng suất và sản lượng lúa đã tăng gấp 2 lần, hiện nay năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha một vụ, riêng vụ đông xuân, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đồng bằng sông Hồng đã đạt 7 tấn/ha/vụ.
Với những thành tựu đạt được, ngành xuất khẩu gạo VN đề ra mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn trong năm 2011. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) tuy số lượng thấp hơn năm 2010, nhưng dự báo giá thị trường tốt, ổn định cùng với phương hướng điều hành của VFA để kim ngạch sẽ đạt mức tương đương năm 2010. Theo dự kiến, hơn 61% lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ tập trung vào thị trường châu Á và khoảng 24% tập trung sang thị trường châu Phi. Theo nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu về xuất khẩu gạo, năm 2011 lượng gạo mua vào sẽ tăng.
Từ năm 1989 đến nay, VN vẫn luôn được đánh giá là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới. Chỉ tính từ các năm 2005 - 2010, tổng kim gạch xuất khẩu gạo đạt 11,9 tỷ USD (giá xuất trung bình 375 USD/tấn). VN đang có nhiều cơ hội nâng cao lợi thế cạnh tranh của mặt hàng này trong tương lai.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt
Tuy là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, song gạo VN vẫn bị lép vế trên thị trường thế giới. Thái Lan nổi tiếng với gạo Jasmine, Ấn Độ có gạo Basmati. Thế nhưng VN, vùng đất được mệnh danh là "bát cơm châu Á" vẫn chưa có được thương hiệu riêng cho hạt gạo của mình. Do đó, mỗi tấn gạo của chúng ta được bán thấp hơn Thái Lan 100 USD dù cùng chủng loại. Tính ra, chúng ta "mất" hơn 600 triệu USD cho 6 triệu tấn gạo xuất khẩu. Nhiều người còn so sánh gạo VN với gạo Mỹ, dù chất lượng gạo Mỹ thua xa VN nhưng giá bán vẫn cao hơn giá gạo ta. Lý giải bài toán đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc rớt giá trên là do gạo VN vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mình. VN cần tìm được nét đặc trưng của hạt gạo để xây dựng thương hiệu, làm thế nào khi đưa ra thị trường người ta không thể nhầm lẫn gạo VN với gạo Thái Lan, gạo Mỹ hay gạo Ấn Độ. Để nâng cao giá trị xuất khẩu cho hạt gạo VN, Nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý xây dựng những thương hiệu mạnh cho một số sản phẩm gạo đặc sản như gạo thơm An Giang, Tám Xoan, Hải Hậu...
Nhất thiết phải xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo, tuy nhiên phải giải được bài toán chất lượng thì mới có thể xây dựng và giữ được thương hiệu gạo VN trên thị trường thế giới. Bộ NN&PTNT xác định, trong những năm tiếp theo vấn đề quan trọng là tập trung sản xuất tốt để có gạo chất lượng tốt, bán có giá, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân. Theo TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để phát triển giống lúa có phẩm chất gạo ngon, tăng cường khả năng cạnh tranh cho gạo VN phải thực hiện đồng bộ 3 giải pháp, sử dụng giống lúa đặc sản có mùi thơm, giống lúa có hàm lượng cao về protein, phát triển công nghệ hạt giống và phát triển công nghệ sau thu hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.