(HNMO) - Ngày 26-12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn Công ty TNHH Grab Việt Nam (GrabTaxi).
(HNMO) - Ngày 26-12, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn Công ty TNHH Grab Việt Nam (GrabTaxi).
Mở đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử yêu cầu hai bên nêu quan điểm có tiếp tục vụ kiện hay không sau gần 1 tháng phiên tòa tạm hoãn (từ ngày 30-11 đến nay). Tại phiên tòa, đại diện Vinasun cho biết, việc tạm ngừng phiên tòa vừa qua là do phía Grab chủ động hòa giải chứ không phải xuất phát từ mong muốn của nguyên đơn. Phía Vinasun vẫn bày tỏ thiện chí và đồng ý hòa giải với Grab.
Thế nhưng, trong thời gian tạm dừng phiên tòa thì Grab đưa ra những đề nghị với Vinasun không đúng, không có liên quan đến nội dung vụ án nên Vinasun không thể chấp nhận. Phía Grab cũng cho hay, do Vinasun không đồng ý với quan điểm của Grab đưa ra nên yêu cầu tòa tiếp tục xét xử theo quy định pháp luật. Tiếp tục phần xét hỏi, đại diện nguyên đơn cho rằng, Grab không đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho các tài xế lái xe. Hội đồng xét xử yêu cầu phía Grab trả lời có hay không việc mua bảo hiểm cho người lao động? Đại diện Grab cho hay, lái xe không thuộc thành phần người lao động của Grab mà là thuộc người lao động của các đối tác của Grab là các hợp tác xã vận tải. Đây là trách nhiệm của các hợp tác xã chứ không phải thuộc trách nhiệm của Grab.
Tiếp đó, luật sư đại diện cho Grab hỏi Vinasun là đối với các tài xế nhượng quyền có được bảo đảm quyền lợi liên quan của người lao động? Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun khẳng định, tất cả người lao động của công ty đều được bảo đảm 100% các quyền lợi lao động liên quan theo quy định của pháp luật nhà nước. Cũng theo phương án hòa giải mới đây giữa Vinasun và Grab, Grab đã đưa ra một số giải pháp về mặt thương mại như Grab sẽ chịu lỗ mua lại cổ phiếu của nguyên đơn với giá chênh lệch khoảng 65 tỷ đồng. Grab cho rằng, mục đích của Vinasun không phải vì tiền, nếu là mục tiêu thương mại thì với những đề nghị của Vinasun, phía Grab hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp có lợi hơn yêu cầu của Vinasun.
Lý giải lý do không đồng ý với phương án này, Vinasun cho rằng, dù Grab mua cổ phiếu nhưng không liên quan đến vụ án thì Vinasun vẫn không chấp nhận. Mục đích của Vinasun là làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Grab, đặc biệt là mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại này với hoạt động của Grab. Vì vậy, nếu Grab đồng ý trả 41,2 tỷ đồng thì Vinasun cũng không đồng ý...
Sau khi các bên kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử thông báo, vào sáng 28-12, đại diện Viện Kiểm sát sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.