(HNM) - Văn học cho thanh thiếu niên ở nước ta có một khoảng trống rất lớn. Không thiếu những người dấn thân, nhưng thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các diễn giả trao đổi về việc viết cho thanh, thiếu niên. |
Để mình trở lại thời hoa niên
Nhiều người cho rằng, nhu cầu đọc của thanh thiếu niên là những tác phẩm có yếu tố kỳ ảo, mơ mộng, kinh dị, khác thường, bởi dòng văn học này đang khá thịnh hành trên thế giới. Và khi đặt bút viết cho đối tượng trẻ, không ít tác giả cũng chọn những đề tài mang hơi hướng đó. Tuy nhiên, các cuộc gặp gỡ độc giả trẻ gần đây cho thấy, những cuốn sách như vậy chỉ giúp người đọc giải trí, đọc xong là quên, không để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc.
Theo Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những cuốn sách thực sự chạm vào cảm xúc của thanh thiếu niên và thậm chí là nhiều đối tượng độc giả khác thường được viết chân thành, giản dị, hài hước và giàu tính nhân văn. Chẳng hạn như các tác phẩm văn học nước ngoài “Tom Sawyer”, “Pippi tất dài”, “Lại thằng nhóc Emil”, “Nhóc Nicolas”… hay những cuốn sách “Oh, boy!”, “Nỗi niềm anh trông trẻ”, “Anh Simple của tôi”, “Miss Charity” của nhà văn Pháp Marie-Aude Murail vừa mới được giới thiệu tại Việt Nam. Những câu chuyện Murail đề cập khá đơn giản, gần gũi với cuộc sống hằng ngày, khiến cho người đọc cảm thấy chính mình trong đó, được tự mình khám phá bản thân và thực hiện những ước mơ bình dị.
Với hơn 80 tác phẩm viết cho thanh thiếu niên, Murail đã trở thành nhà văn được độc giả trẻ khắp thế giới yêu thích. Ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng tương tự với những cuốn sách viết cho tuổi hoa niên luôn được độc giả đón đợi.
Tuy nhiên, số lượng tác giả thành công viết cho thanh thiếu niên không nhiều, ở Việt Nam cũng rất hiếm hoi. Ngoài cây bút Nguyễn Nhật Ánh thì độc giả trẻ khó kiếm tìm được tác giả nào tạo nhiều hứng thú. Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, tác giả người lớn thường đặt quá nhiều mục tiêu vào ngòi bút, phải truyền dạy cái này, phải định hướng cái kia, dùng những ngôn từ cứng nhắc khiến trẻ cảm thấy bị trấn áp.
Giáo viên ngữ văn Nguyễn Thanh Nguyệt (Trường THPT Chu Văn An) cho rằng, việc đã trải qua tuổi thiếu thời là một lợi thế đối với người viết vì hiểu được trạng thái lửng lơ, nửa trẻ con, nửa người lớn của lứa tuổi này. Tuy nhiên, khi đặt bút, người viết phải đưa mình trở lại tuổi hoa niên, đồng thời điềm tĩnh, bao dung để diễn tả đúng những gì lứa tuổi này biểu hiện, tránh phô bày, phân tích.
Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh, người tạo ra nhân vật Lê Bích cùng những cuốn sách hóm hỉnh đang được độc giả trẻ yêu thích cho rằng, viết cho thanh thiếu niên thật sự là thách thức và chính bản thân anh cũng gặp nhiều thất bại. Tác giả bày tỏ sự cảm phục ngòi bút nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi ông bền bỉ viết cho lứa tuổi này suốt mấy chục năm qua.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, khi viết những con chữ cho các bạn trẻ là lúc ông thấy ấm áp, dễ chịu, như bản thân được trở về thời thơ ấu. Theo tác giả Đinh Trần Tuấn Linh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ sống lại tuổi thơ của mình mà còn kiên trì tìm hiểu, nắm bắt được tâm tư, tình cảm và suy nghĩ mới mẻ của thanh thiếu niên hiện nay mới viết nên những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Bồi đắp các cây bút thiếu nhi
Một đội ngũ tác giả viết sách cho thanh thiếu niên nữa còn ít được khai phá, đó chính là các em tự viết sách cho lứa tuổi mình. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ, được tiếp xúc với những cây bút trẻ, nhiều lúc chính bản thân bà cũng kinh ngạc trước năng lực viết, khả năng sử dụng ngôn từ và trí tưởng tượng của trẻ.
“Thế giới trong văn chương của trẻ em luôn trong trẻo, tràn đầy hình ảnh và đúng với suy nghĩ, cảm xúc của các em. Hãy tin tưởng rằng con em chúng ta rất giỏi, vấn đề là phải đánh thức được khả năng đang ẩn náu đâu đó trong chúng”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh bày tỏ.
Làm thế nào để khuyến khích, bồi đắp để trẻ em viết như một tác giả thực thụ? Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh cũng nêu một thực tế, các em đang ở độ tuổi định hình tính cách, có sự thay đổi liên tục về ý thích và suy nghĩ. Bản thân tác giả cũng nhiều lần khuyến khích cháu gái (12 tuổi) khi cô bé này có ý định viết sách.
“Chúng vạch ra ý định viết những cuốn sách vài trăm trang tràn đầy ý tưởng bay bổng. Chúng hào hứng bắt đầu nhưng chỉ hôm sau là không viết nữa. Đó là tính cách của trẻ con, chỉ thích bắt đầu nhưng không kết thúc. Việc duy trì cảm hứng cho trẻ để đi đến cuối dự định không dễ dàng chút nào”, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh nhận định.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh vẫn tỏ ra lạc quan. Bà cho biết, mình đang thực hiện một tủ sách “Trẻ em viết về trẻ em” để phát hiện, khuyến khích các em bước vào con đường văn chương.
“Công việc của chúng tôi trong dự án này là hỗ trợ các em nhỏ bằng cách mở những tour đi thực tế cho chúng. Các em sẽ được gặp gỡ những nhà văn, tác giả sách để hiểu về công việc viết hoặc đến các nhà xuất bản để xem quy trình tạo nên một cuốn sách đưa đến tay độc giả. Chúng tôi khuyến khích các em đọc nhiều sách, cổ vũ các em đưa những ý tưởng vào trang viết. Đúng là công việc này rất khó, nhưng tôi tin rằng, nếu trao cho trẻ quyền được viết, thì chúng sẽ say mê biểu đạt”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.
Nhà văn Murail cũng bắt đầu viết sách khi 13 tuổi và dần tự định hình cho mình một con đường theo đuổi văn chương dành cho thanh thiếu niên một cách nghiêm túc. Vậy ai biết được, khi được bồi đắp, khuyến khích, các tác giả nhỏ tuổi của chúng ta sẽ trở thành những nhà văn chuyên viết cho thanh thiếu niên trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.