Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Vận hội và thách thức

Lan Hương| 12/01/2010 13:51

(HNMO) – Bước sang năm 2010, Việt

(HNMO) – Bước sang năm 2010, Việt Nam đã tròn 3 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đánh giá lại quá trình 3 năm Việt Nam gia nhập WTO rất khó, vì trong thời gian này khủng hoảng kinh tế thế giới đã bóp méo nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam; tuy nhiên vẫn cần phải đánh giá lại để định hướng chiến lược, dự báo phát triển cho các năm tiếp theo.

Xem xét những tác động vô hình và hữu hình

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, sau 3 năm hội nhập ta có thể nhìn nhận lại được những tác động hữu hình và vô hình rõ hơn. Về hữu hình, sau năm 2007 gia nhập WTO, đến năm 2008, xuất khẩu đã gia tăng đáng kể, tuy nhiên đến năm 2009 lại bị âm 9% do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không hội nhập, xuất khẩu sẽ còn bị giảm nhiều hơn. Về thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2007 có số vốn cam kết 81 tỷ USD, năm 2008 vào khoảng 60-71 tỷ USD, năm 2009 giảm xuống còn 20 tỷ USD do khủng hoảng kinh tế. Về mặt vô hình, xã hội đã nhận thức được nhu cầu hội nhập và đồng thuận cao. Đặc biệt để hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã tạo ra sức ép buộc các cơ quan trung ương và địa phương phải giảm khoảng 30% các thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được sự đỏng đảnh của nền kinh tế thị trường để từ đó xoay xở và thích ứng tốt hơn.

Đánh giá về quá trình hội nhập, GS.TSKH Nguyễn Mại – Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận định: Là thành viên WTO, đã đến lúc người Việt Nam phải vượt qua rào cản về tư duy của một nước lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ và tài chính và công nghệ nước ngoài, để có tư duy của một nước có vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và có vị thế đang tăng lên ở Châu Á và thế giới, với tư cách là thành viên WTO tham gia bình đẳng vào phân công và hợp tác quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa, trước hết là xây dựng thể chế toàn cầu. Đó là chuẩn bị tốt hơn để chủ động đề ra chủ trương, lựa chọn cán bộ đủ năng lực và phẩm chất tham gia Vòng đàm phán Doha, nhằm kết thúc vòng đàm phán này có lợi cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, cần tìm phương thức thích hợp với từng đối tác trong đàm phán song phương để họ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì điều đó có lợi cho các doanh nghiệp nước ta trong trường hợp phải đối đầu với những vụ kiện bán phá giá. Tiếp nữa, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc theo dõi, kịp thời phát hiện những vi phạm của đối tác để tận dụng tư cách là thành viên WTO, đòi hỏi họ phải thực hiện nghiêm các cam kết đối với Việt Nam.


Bốc xếp gạo xuất khẩu

Nhận rõ vận hội, thách thức để Việt Nam phát triển thành nước công nghiệp vào năm 2020

Năm 2010 được dự báo là năm nền kinh tế thế giới phục hồi dù còn chật vật, khó khăn; kinh tế Việt Nam cũng trong quá trình vượt qua suy giảm. Năm 2010 là ngưỡng cửa bước vào giai đoạn nước rút đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, để Việt Nam bước từ nước thu nhập thấp thành nước thu nhập trung bình (thu nhập trên 1000 USD/người). Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phân tích, Việt Nam có những thuận lợi như đã trụ được ở mốc tăng trưởng 5%/năm; vị thế chính trị trên trường quốc tế tăng cao (giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN…); qua 3 năm hội nhập đã dầy dạn hơn kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng. Thách thức đối với nước ta là kinh tế thế giới phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro; Nền kinh tế qua giai đoạn khủng hoảng bộc lộ nhiều điểm yếu (như hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế chưa hoàn chỉnh); Nền kinh tế thế giới đang tái cấu trúc (như đổi mới nhanh các công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng…) và Việt Nam không thể đứng ngoài vòng xoáy này.

Câu hỏi đặt ra là trong năm 2010, nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào? Nguyên Phó Thủ tướng nhìn nhận, ngoài WTO, Việt Nam còn đang tham gia nhiều thể chế mậu dịch tự do lớn như: Thị trường tự do với Trung Quốc, Hiệp định đầu tư với Nhật Bản, đang đàm phán các hiệp định với Mỹ, Úc, Liên minh Châu Âu… Việt Nam cần phải nhận biết tốt hơn các thị trường tự do, thể chế thị trường, nếu không sẽ khó ứng xử. Các cơ quan nhà nước cũng cần nghiên cứu nhiều hơn về thị trường thế giới để có các chính sách cơ động, linh hoạt nhưng phải dễ tiên đoán. Trong năm 2010, Việt Nam cũng phải chọn lựa giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng; đối mặt với mâu thuẫn muốn ổn định vĩ mô phải thắt chặt tiền tệ; Cân bằng giữa thị trường ngoài nước và trong nước, giữa can thiệp của Nhà nước và điều tiết thị trường; Đặc biệt là chọn lựa mô hình phát triển phù hợp để Việt Nam có thể trở thành nước công nghiệp vào năm 2020…

Những thông tin trên đã được ghi lại từ Hội thảo quốc tế “Thành tựu và thách thức của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO” được tổ chức vào sáng nay 12/1/2010 tại Hà Nội. Hội thảo do Chương trình Vinh danh doanh nghiệp hội nhập WTO, Sở Công thương Hà Nội, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức. Trong hội thảo này, các đại biểu còn có các nhận định sâu về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài; phát triển các loại hình dịch vụ (tài chính, bảo hiểm, bán lẻ, dịch vụ thương mại, thông tin); phát triển thị trường bán lẻ; cơ chếxuất nhập khẩu của Việt Nam…sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO. Những đánh giá này là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn cảnh về kinh tế Việt Nam sau quá trình hội nhập, định hướng chiến lược, dự báo phát triển cho đến năm 2020 và dài hơi hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Vận hội và thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.