Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẵn sàng là trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới

T.Hương| 24/10/2015 13:11

(HNMO) - Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau 2015”.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới khi mà làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Hội thảo thu hút khoảng 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, các hiệp hội, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

56% vốn đầu tư  vào Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, ngân hàng đưa ra nhận định rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới. “Những nhận xét trên đã gợi ý cho chúng tôi cần phải đi sâu chủ đề, làm rõ thêm Việt Nam có tiền đề gì để hướng đến xu thế phát triển này, nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế nào, và chúng ta có điều kiện chuẩn bị để tiếp đón cơ hội này hay không”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp. Mà một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. “Vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu xem Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói tiếp.

Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% vốn đầu tư vào Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đó đó là những tín hiệu thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam, ngành công nghiệp, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. “Việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực để đề xuất các giải pháp toàn diện đồng bộ có ý nghĩa hết sức thiết và cấp bách”, Thống đốc nhấn mạnh.

Hội thảo đã nghe nhiều tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) cho rằng, Việt Nam đứng trước những thách thức mới và phải lựa chọn các hướng đi chiến lược để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, duy trì đà tăng trưởng khi có lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ đang mất đi động lực, đổi mới cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động.

“Hiện nay, một trong những định hướng được đưa ra là phát triển kinh tế Việt Nam thành trung tâm chế biến, chế tạo. Đây là hướng đi đã từng thành công với các quốc gia như Hàn Quốc,Trung Quốc.

“Trong định hướng này, việc cần làm của Việt Nam là xác định và xây dựng được các trọng điểm chế biến, chế tạo, bao gồm trong điểm về vị trí địa lý, trọng điểm về lĩnh vực”, ông Trần Duy Đông chia sẻ.

Theo ông Trần Duy Đông, để các khu công nghiệp, khu kinh tế thành các trọng điểm chế biến, chế tạo sau năm 2015 cần nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung thu thút các tập đoàn công nghiệp lớn có công nghệ về chế biến, chế tạo. Đối với dự án đầu tư có tác động lan tỏa lớn, cho phép áp dụng cơ chế đàm phán ưu đãi đầu tư như một số quốc gia đã áp dụng (Malaysia, Singapore...).

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển sản xuất công nghiệp phụ trợ và thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước với các doanh nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư vốn ngân sách nhà nước và huy động vốn khác để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế ven biển theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là đối với các khu kinh tế ven biển đã có dự án đầu tư động lực quy mô lớn.

Đồng thời đổi mới môi trường đầu tư và cơ chế quản lý nhà nước tại một số khu kinh tế ven biển với ưu đãi đầu tư vượt trội và dịch vụ công thuận lợi để tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển một số trọng điểm chế biến, chế tạo có tính liên kết vùng.

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, kỹ năng cao trên cơ sở tăng cường mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để chuyển đổi lợi thế cạnh tranh từ lao động kỹ năng thấp, chi phí rẻ sang lợi thế cạnh tranh về lao động kỹ thuật cao, chi phí hợp lý.

Được biết, sau hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức xây dựng bản tổng hợp kiến nghị của hội thảo nhằm đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẵn sàng là trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.