(HNM) - Hôm nay (2-11), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan bắt đầu khai mạc tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Đây là loạt hội nghị quan trọng cuối cùng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu, trong đó có các nhà lãnh đạo và đại diện của 23 nước và 5 tổ chức quốc tế.
Diễn ra trong 3 ngày, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả các Kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Kết quả thực hiện và các biện pháp tiếp tục triển khai “Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về Tăng cường quan hệ đối tác vì sự bền vững”...
Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội, đồng thời nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực.
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN. Trong đó đáng chú ý là việc Việt Nam phối hợp cùng các nước thành viên xây dựng những định hướng, quyết sách quan trọng của Hiệp hội như: Tầm nhìn ASEAN 2020 và Tầm nhìn ASEAN 2025; Chương trình hành động Hà Nội; Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II hình thành Cộng đồng ASEAN...
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết, thống nhất trong Hiệp hội, xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh, thúc đẩy xây dựng lòng tin và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do tổ chức này chủ trì, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với các vấn đề tác động đến hòa bình, an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.
Với thế và lực mới, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Theo luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trao đổi nội bộ cũng như tham vấn các nước ASEAN và các đối tác để xây dựng chủ đề, các ưu tiên và sáng kiến cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo đó, chủ đề và các ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ bảo đảm nhất quán với các ưu tiên của Cộng đồng trong giai đoạn hiện nay, đồng thời tiếp nối ưu tiên của các năm Chủ tịch trước, tập trung vào thúc đẩy gắn kết nội khối và khả năng thích ứng của ASEAN trước những biến động của thời cuộc. Sự cộng hưởng của tất cả sự kiện trên trong năm 2020 sẽ tạo ra vận thế mới để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng đất nước, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam và sẵn sàng làm hết sức mình để Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định, Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng, vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Hồi 22h ngày 1-11, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quân sự Bangkok, thủ đô Bangkok, Vương quốc Thái Lan, bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan từ ngày 2-11 đến 4-11.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.