Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam đã phát triển được hơn 50 trung tâm can thiệp tim mạch

Gia Phong| 25/10/2015 16:11

(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tim mạch học can thiệp toàn quốc lần thứ IV với chủ đề “Giải pháp tốt nhất từ giường bệnh đến can thiệp” có sự tham gia của 3000 bác sĩ, chuyên gia tim mạch Việt Nam và quốc tế diễn ra ngày 25-10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).


Theo thống kê của Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam, cứ 3 người Việt Nam trưởng thành có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong do bệnh tật tại Việt Nam. Dự báo, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc.


GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam cho biết, từ những ngày đầu hình thành, ngành Tim mạch can thiệp tại Việt Nam chỉ phát triển một cách sơ khai, tập hợp của những bác sĩ tim mạch can thiệp tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế. Đến nay, “bản đồ” tim mạch can thiệp Việt Nam đã có mặt ở khắp ba miền Bắc-Trung-Nam với hơn 50 trung tâm tim mạch can thiệp, hàng trăm bác sĩ có thể thực hiện thành thạo các kỹ thuật can thiệp khó, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân. Thậm chí, nhiều bác sĩ tim mạch can thiệp của Việt Nam trở thành chuyên gia hàng đầu tại Châu Á và trên thế giới. Hội nghị lần này là cơ hội để các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về tim mạch học trong nước có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi về kỹ thuật tim mạch đối với các chuyên gia quốc tế. Đây cũng là một sự kiện y học lớn, với chất lượng chuyên môn cao, chứng minh tim mạch học can thiệp Việt Nam đang phát triển với tầm cỡ y học thế giới.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, cách đây 30 năm, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp nhưng ngày nay, bệnh này đã trở nên phổ biến, là bệnh lý gặp hàng ngày trong mọi bệnh viện trên toàn quốc. Có thể khẳng định, tim mạch can thiệp đang và sẽ là chuyên ngành mũi nhọn trong ngành tim mạch học Việt Nam và là chính sách y tế công cộng cần được chú trọng trong thời gian tới. Điều đáng ghi nhận là các bác sĩ đã ứng dụng sáng tạo khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới vào điều kiện của Việt Nam, giúp người dân được tiếp cận kỹ thuật tiên tiến mà không phải ra nước ngoài điều trị. Các bệnh viện tỉnh cũng được chuyển giao công nghệ để điều trị bệnh nhân hiệu quả, kịp thời ngay tại địa phương, giảm chi phí cho người bệnh.

Với chủ đề “Giải pháp tốt nhất từ giường bệnh đến can thiệp”, tại Hội nghị, 6 ca can thiệp tim mạch điển hình được truyền hình trực tiếp từ Bệnh viện Tim Hà Nội để phục vụ các phiên thảo luận. Đó là các ca: Bít lỗ thông liên thất; Can thiệp thân chung động mạch vành; Phẫu thuật cầu nối chủ vành; Can thiệp chỗ chia nhánh động mạch vành; Điều trị rối loạn nhịp bằng 3D và Can thiệp động mạch ngoại biên. Đây là cơ hội quý báu để các bác sĩ có thể theo dõi trực tiếp quá trình can thiệp tim mạch và trao đổi, chia sẻ về những kỹ thuật can thiệp để điều trị các bệnh lý tim mạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đã phát triển được hơn 50 trung tâm can thiệp tim mạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.