Công nghệ

Việt Nam có tiềm năng phát triển chip bán dẫn

Châu Anh 08/07/2023 - 17:28

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa vừa thông tin về tình hình sản xuất chip (vi mạch) tại Việt Nam và vai trò của các tập đoàn toàn cầu trong phát triển lĩnh vực này.

ong-nguyen-thien-nghia-pho-cuc-truong-phu-trach-cuc-cong-nghiep-cntt-tt.jpg
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa thông tin về tình hình phát triển chip bán dẫn tại Việt Nam tại họp báo thường kỳ tháng 7 tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Đức Huy.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, đặc điểm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là tất cả công đoạn trong các khâu sản xuất như thiết kế, gia công, đóng gói, thiết bị, vật liệu... đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng. Điều này có nghĩa là mỗi công đoạn do một số ít tập đoàn, quốc gia nắm công nghệ hàng đầu thực hiện. Việc gia nhập chuỗi sản xuất này đòi hỏi phải có thị trường, có sự đầu tư rất lớn về công nghệ.

Ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam được đánh giá ở tiềm năng phát triển. Hiện nay, tại Việt Nam, đang có doanh nghiệp Intel thực hiện “công đoạn đóng gói”, công đoạn cuối cùng của sản xuất chip. Đồng thời, Samsung và Amkor cũng đang triển khai đầu tư một số dự án.

Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam thu hút các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip. Ngoài ra, một lợi thế nữa là khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam (khoảng 50 doanh nghiệp), với tổng số hơn 5.000 kỹ sư.

Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc, và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.

“Theo nhận định của các hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa thông tin.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch cho Việt Nam. Ban soạn thảo bao gồm các bộ, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hiệp hội và chuyên gia…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có tiềm năng phát triển chip bán dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.