(HNM) - Chíp (vi mạch) bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại. Công nghiệp chíp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào hoạt động của tất cả hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam lọt vào tốp 4 của châu Á về gia tăng xuất khẩu chíp bán dẫn vào Mỹ, cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Đáng chú ý, khi Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chíp nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp (trong tháng 2-2023, Việt Nam xuất khẩu chíp vào Mỹ đạt 562,5 triệu USD, cùng kỳ năm ngoái là 321,7 triệu USD). Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc xuất khẩu chíp bán dẫn sang Mỹ.
Về nguồn nhân lực, có thể thấy tại Trung tâm Vi điện tử liên đại học - IMEC (Trung tâm nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chíp bán dẫn) có hơn 5.500 chuyên gia hàng đầu thì đã có 5 người Việt Nam. Số lượng kỹ sư điện tử tốt nghiệp hằng năm khoảng 5.000, riêng vi mạch là 50 người… Đây là một thế mạnh để xây dựng hệ sinh thái vi mạch tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài FPT và Viettel có khả năng thiết kế, sản xuất chíp, lượng chíp xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng cần nói thêm, năm 2022 FPT thiết kế, sản xuất 3 dòng chíp nguồn và có hợp đồng cung cấp chíp đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chíp trong 2 năm 2024 và 2025 (đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chíp cho đối tác Nhật Bản).
Việt Nam cần làm gì để có thể trở thành một phần của chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho rằng, nên tập trung vào thiết kế và đóng gói - hai khâu Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh. Trong đó, ở công đoạn thiết kế, Việt Nam vẫn chủ yếu làm công đoạn phía sau (hoạt động lắp ráp) trong khi ở hoạt động xử lý có giá trị gia tăng lớn. Do vậy, muốn cạnh tranh được trong phần thiết kế, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp trong nước làm về thiết kế chíp bán dẫn cần tiến lên làm những công đoạn có giá trị cao hơn. Với khâu đóng gói, Việt Nam cần thu hút thêm các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của nhà đầu tư chiến lược ở lĩnh vực chíp bán dẫn như Intel…
Nhân chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 5-2023, Phó Chủ tịch IMEC Lode Lauwers nhấn mạnh, để phát triển ngành bán dẫn cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch IMEC cho rằng, hai bên có thể xem xét phát triển một trung tâm để đào tạo sinh viên tại Việt Nam. IMEC có thể phối hợp triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, theo đó sinh viên các trường đại học Việt Nam có thể sang học tập ngắn hạn tại các Trung tâm R&D của IMEC.
Đây cũng là quan điểm được ông Nguyễn Anh Thi đề xuất, để nguồn nhân lực này trở thành lực lượng có thể phục vụ đắc lực cho ngành thiết kế vi mạch, cần phải nhanh chóng đào tạo và thực hiện các chính sách thu hút nhân tài. Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần Bán dẫn FPT (thuộc Tập đoàn FPT) Nguyễn Vinh Quang kiến nghị, Chính phủ tạo điều kiện tập trung phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực thiết kế chíp bán dẫn.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa thông tin, Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái chíp bán dẫn, với quan điểm sẽ tham gia từng bước. Bước đầu tiên, nước ta tiếp tục cung cấp các dịch vụ như đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó, sẽ cân nhắc có hoạt động sản xuất chíp tại Việt Nam, hoặc là đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Về đào tạo, mục tiêu ngắn hạn trong năm 2023 là sẽ có 1 trung tâm đào tạo được IMEC hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy rằng phần quan trọng trong chuỗi cung ứng chíp bán dẫn toàn cầu có sự tham gia của nhiều bên và Việt Nam định hướng trở thành một phần trong chuỗi cung ứng này. Việt Nam không chỉ đang tham gia ở khía cạnh lập trình, đóng gói mà còn ở những khía cạnh khác như đóng góp cho các hoạt động thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào trong các sản phẩm phần cứng, đặc biệt trong thế giới IoT hiện nay…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.