Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Viên đá nhỏ” xây “vườn văn hóa”

Mai Hoa| 11/03/2015 06:41

(HNM) - Trong số 850 tác phẩm được triển lãm tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong dịp Xuân Ất Mùi, tác phẩm

Đại diện cho các nghệ nhân, người chơi cây cảnh phát biểu tại triển lãm, ông Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: "Thú chơi cây cảnh có từ lâu đời, là thú chơi tao nhã, giàu tính nhân văn, cho ta ý niệm về lẽ sống, đạo lý làm người, nền nếp gia phong. Chúng ta hãy là những viên đá nhỏ góp phần xây dựng và bảo vệ truyền thống văn hóa ấy". Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Đức Thắng về những nếp văn hóa đẹp qua thú chơi cây cảnh nghệ thuật.

Triển lãm cây cảnh nghệ thuật tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long thu hút nhiều người yêu cây cảnh tới tham quan, chiêm ngưỡng. Ảnh: Nhật Nam



- Ông có bất ngờ khi được vinh danh tại triển lãm cây cảnh nghệ thuật Xuân Ất Mùi không, thưa ông?

- Có lẽ dùng từ tự hào, hạnh phúc thì đúng hơn, bởi dù sao tôi đã có 25 năm gắn bó với thú chơi cây cảnh nghệ thuật, cũng có những thành công nhất định và được bạn nghề ghi nhận. Nói tự hào là bởi đối với tôi, chỉ riêng việc có tác phẩm được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long đã là một niềm vinh dự lớn. Hiện tại, tôi có gần 100 cây đang được trưng bày thường xuyên tại đây, góp một chút để du khách thưởng ngoạn, hiểu thêm về một thú chơi tao nhã khi đến Thủ đô.

- Ông có thể chia sẻ đôi chút về tác phẩm vừa đoạt giải?

- Cây sanh này tôi mua cách đây 15 năm của một gia đình danh gia vọng tộc ở Phố Hiến (Hưng Yên). Cây có tuổi đời hơn 100 năm trên chậu, cốt to, bộ thân trường trải, vặn xoắn, có thể thấy rõ nếp thời gian lâu đời. Tay cành của cây như những con rồng uốn lượn, các bông tán trông như những đám mây. Mang dáng thế "Lưỡng long chầu nguyệt" cách điệu, cây sanh này biểu hiện cho sự cao sang quyền quý, được giới chơi cây cảnh cổ của Hà Nội đánh giá cao về giá trị nguyên thủy, nghệ thuật biểu đạt tay cành, bộ rễ như vuốt móng rồng ôm chặt tảng đá…

- Ông vừa nói đến nghệ thuật biểu đạt. Dường như đây là một giá trị không thể thiếu khi nói đến thú chơi cây cảnh nghệ thuật, thưa ông?

- Đúng vậy. Đã gọi là cây cảnh nghệ thuật nghĩa là cây đó phải biểu đạt được cái đẹp, giá trị sâu xa về đạo lý, cách làm người, nền nếp gia phong… Mỗi thế cây có giá trị biểu đạt triết lý sống riêng. Ví như thế cây mẫu tử, bắt buộc là cây lớn phải ngả vào cây bé, theo nghĩa người mẹ che chở cho con. Thế cây tỷ muội thì thân cây phải thật mềm mại, đan vào nhau, như chị ngã em nâng vậy... Thân cây biểu hiện cho tình cha mẹ thường khắc khổ, nhiều vặn xoắn, biểu hiện cho sự vất vả vươn lên của cha mẹ để nuôi con khôn lớn. Bệ cây phải vững chãi thì cây mới đẹp, khỏe, với ý nghĩa là nền nhân nghĩa - cốt tổ tông. Tay cành của cây biểu hiện cho con cháu, nên cành trên không được đè cành dưới, theo nghĩa anh em phải nhường nhịn nhau. Cổ ngọn cây đẹp là phải cắt, chuyển nhịp nhiều lần, rõ quan niệm trên mình còn trời, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, khiêm nhường chứ không nhắm thẳng lên trời một cách "phạm thượng". Ngọn cây luôn phải hồi về gốc, như đạo làm người luôn hướng về quê cha đất tổ.

Chơi cây cảnh nghệ thuật, giá trị vật thể chính là bản thể cây đó, nhưng giá trị phi vật thể nằm trong triết lý sống, giá trị biểu đạt của cây qua từng thế cây cách điệu. Với người chơi cây cảnh Hà Nội, cây cảnh nghệ thuật đẹp thường phải mềm mại, khoe được xương cây, cốt cây, đường đi mạch lạc, lộ rõ cốt chuyển của tay cành…

- Người chơi cây cảnh, trước tiên là vì yêu cái đẹp. Tuy nhiên, cũng như nhiều thú chơi nghệ thuật khác, chắc hẳn chơi cây cảnh nghệ thuật tiêu tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền của, thưa ông?

- Tốn công sức và thời gian là chuyện đương nhiên, nhưng tiền của có tốn hay không lại tùy thuộc mỗi người. Ví như cây sanh "Lưỡng long chầu nguyệt", tôi mua lúc đó với giá hơn 10 triệu đồng. Cũng có cây lúc mua chỉ có giá 3 triệu, 5 triệu đồng, sau 3 năm, giá trị chuyển nhượng của nó là 20.000 USD. Nếu hiểu niêm luật, nắm được kỹ thuật, thêm một chút tinh tế khi làm cây thì giá trị là vô cùng.

- Nhưng đâu phải dễ để có được thành quả đó?

- Quan trọng là người chơi phải có đam mê, chịu khó học hỏi các vị tiền bối, biết lựa chọn, biết "làm cây". Khi tôi mới vào nghề, mua vài chục triệu/cây, sau phải bỏ đi hết. Để có thể theo đuổi được thú chơi nghệ thuật này thì phải hiểu niêm luật, sự tinh tế trong nghề chơi cây cảnh, giá trị biểu đạt trong từng dáng thế. Chơi cây cảnh giúp con người sống ôn hòa, nhẫn nại, có chiều sâu tư duy hơn. Người chơi phải vừa có chất họa sĩ trong sự rung cảm, liên tưởng hình tượng, vừa có chất điêu khắc trong việc tạo chiều sâu ý tưởng cho tác phẩm. Nghĩa là muốn chơi cây thì trước tiên phải hiểu về chiều sâu văn hóa, triết lý, nhân sinh quan trong quan niệm về cây, thế cây, các giá trị biểu đạt văn hóa.

- Để phát triển thú chơi lành mạnh và mang đậm chất văn hóa này, theo ông, người chơi cần có những điều kiện gì?


- Ngoài những yêu cầu về tố chất như đã nói ở trên, việc tăng cường giao lưu giữa các nghệ nhân, người chơi là vô cùng cần thiết. Bản thân tôi luôn trân trọng từng ý kiến, lời bình của bạn bè khi nhận định về dáng, thế, cốt cách của cây trước khi bắt tay vào "làm cây". Bởi chỉ cắt nhầm một cành, có khi đến hơn 10 năm cũng chưa sửa được lỗi. Thành công hay thất bại được quyết định trong khoảnh khắc.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Viên đá nhỏ” xây “vườn văn hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.