Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viễn cảnh ảm đạm

Phương Quỳnh| 07/09/2018 06:10

(HNM) - Bốn tháng sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các bên liên quan sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong chặng đường sắp tới, bất chấp sự nỗ lực bảo vệ JCPOA của Liên minh châu Âu (EU), Iran, Nga và Trung Quốc.

Đồng nội tệ của Iran mất giá mạnh từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.


Thời gian qua, EU - với tư cách là nhà bảo trợ cho JCPOA - đã có nhiều động thái nhằm cứu vãn tình hình như tuyên bố sẽ bảo vệ các doanh nghiệp của mình hoạt động hợp pháp tại Iran bằng việc kích hoạt "cơ chế phong tỏa" vốn ra đời năm 1996. Về lý thuyết, cơ chế này có thể giúp vô hiệu hóa sự trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với các công ty châu Âu. Cụ thể, nếu bị Washington phạt, các doanh nghiệp sẽ được quyền kiện ra tòa án của các nước thành viên EU. Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động tại Iran. Mới đây, Ủy ban châu Âu cũng đã thông qua khoản hỗ trợ đầu tiên trị giá 18 triệu euro cho Iran trong khuôn khổ gói ngân sách lên tới 50 triệu euro nhằm giúp nước Cộng hòa Hồi giáo giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nếu xem xét những gì đang diễn ra, có thể nói, Mỹ đã và đang là bên áp đặt "luật chơi". Bất kỳ công ty hay quốc gia nào vi phạm lệnh cấm vận đều sẽ bị nước này xử phạt. "Cơ chế phong tỏa" của EU trên thực tế rất khó thực hiện vì Cựu lục địa hiện vẫn đang có nhiều lợi ích kinh tế ràng buộc với Mỹ. Đây là lý do tại sao nhiều công ty châu Âu "tháo chạy" khỏi Iran. Tình hình tương tự xảy ra với các ngân hàng khi đối mặt với nguy cơ bị cấm giao dịch với Iran bằng USD, ngay cả khi không kinh doanh tại Mỹ.

Trong khi đó, các quyết định của Washington đã đẩy kinh tế Iran vào khó khăn. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt đã làm đồng rial của Iran giảm tới một nửa giá trị. Nếu việc xuất khẩu dầu bị ngưng trệ, Iran sẽ thiếu nguồn tiền để trả lương cho công chức, nhiều nhà máy đóng cửa, hơn 16 triệu người sẽ thất nghiệp. Lạm phát và cuộc khủng hoảng tiền tệ sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu, nghèo ở Iran cũng như tăng nguy cơ về nạn đói. Nhiều ý kiến lo ngại, tình hình hiện nay sẽ tác động đến niềm tin của người dân và Iran có thể sẽ đối mặt với biểu tình bạo lực ngoài tầm kiểm soát trong tương lai.

Trong bối cảnh các bên đều phải tự tìm cách bảo vệ lợi ích của mình, mới đây, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu văn bản này không còn phục vụ lợi ích của Iran. Theo lãnh tụ tối cao Iran, các cuộc đối thoại với châu Âu vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, Tehran không đặt hết hy vọng vào các nước châu Âu về những vấn đề như thỏa thuận hạt nhân hay tương lai nền kinh tế. Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Iran, Giáo sĩ Ayatollah Ahmad Jannati cũng cáo buộc châu Âu đang chệch hướng trong việc bảo vệ thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Nhận định trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, Tehran cần sẵn sàng đàm phán thêm về các kế hoạch hạt nhân trong tương lai, kho tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như vai trò của nước Cộng hòa Hồi giáo trong cuộc xung đột tại Syria và Yemen.

Theo các nhà phân tích, bài toán khó cho EU hiện nay là làm thế nào để dung hòa các lợi ích chính trị và kinh tế, giữ vững được nguyên tắc đa phương trong chính sách quan hệ quốc tế trước xu hướng đơn cực mà nước Mỹ đang tìm mọi cách áp đặt. Từ đó, châu Âu mới có thể tìm ra được giải pháp khả thi cho vấn đề Iran.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viễn cảnh ảm đạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.