(HNMO) - Lưới điện trên địa bàn huyện Phú Xuyên luôn trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này. Do vậy, việc đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV là yêu cầu cấp bách.
Đủ cơ sở pháp lý
Trước những thắc mắc, kiến nghị của một số công dân thị trấn Phú Xuyên về dự án xây dựng Trạm biến áp 110kV, Chánh Thanh tra Nhà nước huyện Phú Xuyên Nguyễn Lương Khải cho biết: Vị trí thực hiện dự án tại xứ đồng Chéo B thuận lợi hơn so với vị trí dự kiến trước đây, phù hợp quy hoạch, thuận lợi cho thi công, xa khu dân cư…
Trao đổi về quy hoạch trạm biến áp 110kV Phú Xuyên, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011: Tại bản vẽ Quy hoạch cấp điện giai đoạn ngắn hạn và dài hạn đô thị vệ tinh Phú Xuyên, tỷ lệ 1/10.000 khẳng định, vị trí trạm biến áp 110kV Phú Xuyên nằm ở phía Tây Bắc nút giao đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cao tốc Tây Bắc, tức là được quy hoạch tại khu vực phía tây đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, thuộc tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên.
Liên quan đến an toàn lưới điện, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường của trạm biến áp 110kV Phú Xuyên, được các sở, ngành thẩm định và UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 25-6-2014. Báo cáo khẳng định: dự án không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do tác động của điện từ trường.
Không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân
Dự án Trạm biến áp 110KV Phú Xuyên được triển khai xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội của người dân thị trấn nói riêng và huyện Phú Xuyên nói chung. Tuy nhiên, có một số người dân tiểu khu Mỹ Lâm chưa nhận thức đúng vấn đề, thậm chí có hành vi quá khích, ngăn cản lực lượng chức năng tiến hành công việc. Một trong những lý do họ “viện dẫn” dựa trên cảm tính là Trạm biến áp gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà không căn cứ vào báo cáo đánh giá của các cơ quan chức năng.
Bởi lẽ, theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cường độ điện trường của các thiết bị điện tại Trạm biến áp 110KV không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi canh tác hoặc sinh hoạt xung quanh hàng rào trạm và khu dân cư… Số liệu quan trắc thực tế của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng khẳng định, điện trường trong các trạm biến áp 110kV trên địa bàn Thủ đô trung bình chỉ khoảng 56V/m, thấp hơn nhiều so với quy định. Bên cạnh đó, các trạm biến áp được thiết kế theo quy phạm trang bị điện của Bộ Công Thương, mức độ ảnh hưởng của cường độ điện trường đạt tiêu chuẩn cho phép do cơ quan nhà nước đã ban hành. Hơn nữa, theo thiết kế, tường rào trạm biến áp cao 5,5m so với cốt hiện trạng đất canh tác xung quanh trạm và khoảng cách gần nhất từ thiết bị tới tường rào là 10m.
Trên thực tế, nhiều hộ dân khu vực nội thành có nhà ở gần (thậm chí giáp ranh) với các trạm biến áp từ hàng chục năm nay, nhưng mọi hoạt động, sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Chẳng hạn, tại địa bàn quận Đống Đa có Trạm biến áp 220kV Thành Công vận hành từ năm 1987, Trạm biến áp 110kV Phương Liệt vận hành từ năm 1990. Tại địa bàn quận Ba Đình có Trạm biến áp 110kV Yên Phụ vận hành từ năm 1985, Trạm biến áp 110kV Giám vận hành từ năm 1993. Tại quận Thanh Xuân có Trạm biến áp 110kV Thượng Đình vận hành từ năm 1978. Quận Hoàng Mai có Trạm biến áp 220kV Mai Động vận hành từ năm 1980. Quận Hà Đông có Trạm biến áp Ba La vận hành từ năm 1982…
Ông Trần Kim Bắc, ở Tổ 8, Khu tập thể Trạm biến áp 220kV Hà Đông (Công ty Truyền tải điện 1), phường Phú La, quận Hà Đông cho biết: Khu tập thể trạm biến áp được xây dựng từ năm 1967, có khoảng 10 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên sinh sống, chỉ cách trạm biến áp 110kV khoảng 60m. Đến năm 1982, Trạm biến áp 220kV được xây dựng thêm và đưa vào vận hành, cách xa khu dân cư 30m. Đến nay, khu tập thể gồm 19 hộ gia đình vẫn sinh hoạt ổn định, bình thường và không thấy có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Được biết, vị trí xây dựng Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên ở cánh đồng Chéo B, cách khu dân cư hơn 170m. So với một số trạm biến áp ở nội thành, rõ ràng đây là khoảng cách rất lớn. Vậy mà không hiểu vì sao một số người dân vẫn cố tình cản trở việc triển khai dự án? Tiếp xúc cử tri tại huyện Phú Xuyên vào ngày 3-7, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết, ông thấy lạ khi một số người dân chưa đồng thuận với việc triển khai xây dựng trạm biến áp, vì đây là dự án rất bình thường, phục vụ nhu cầu cộng đồng. Nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng tiểu khu Mỹ Lâm Nguyễn Quốc Hùng cho biết, không phải tất cả nhân dân tiểu khu Mỹ Lâm không ủng hộ dự án, mà chỉ có một số đối tượng cố tình hiểu sai, vi phạm pháp luật, cần phải phân loại để xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, người dân trên địa bàn cần thấy được lợi ích lâu dài, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo hồ sơ dự án, Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên có công suất 63MVA với 6 tủ xuất tuyến 35kV và 24 tủ xuất tuyến 22kV. Đường dây 110kV 2 mạch cấp điện cho trạm dài khoảng 10km, trong đó đoạn đi qua địa bàn thị trấn Phú Xuyên dài khoảng 1,8km, đoạn qua tiểu khu Mỹ Lâm dài khoảng 600m. Diện tích thu hồi đất vĩnh viễn cho dự án là 5.500m2. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.