(HNMO) - Theo Bộ Giao thông - Vận tải, hiện nay, một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, hiện nay, một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn; điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy; vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc... có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng hoặc từ 22-24 tháng tùy theo lỗi vi phạm là chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, thủ tục giải quyết các phương tiện bị tạm giữ nhưng chủ phương tiện, người vi phạm không đến nhận còn rườm rà, phức tạp. Vì vậy, số lượng phương tiện bị tồn đọng lớn, gây lãng phí cho xã hội, gia tăng áp lực đối với cơ quan thực thi công vụ. Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP như: Lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước của các xe ô tô, gây ảnh hưởng, mất an toàn giao thông đối với xe đi ngược chiều; phương tiện kinh doanh vận tải của nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa; trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng người lái xe sử dụng ma túy...
Các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt không còn phù hợp theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017. Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt đang diễn ra trong thực tế chưa được quy định trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP như: Phương tiện giao thông đường sắt quá thời hạn đăng kiểm; bơm nước vào phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; để dây điện, dây thông tin vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt; chủ đầu tư tiếp tục xây dựng, thi công hoặc không tự giác tháo dỡ công trình sau khi bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép thi công do vi phạm các quy định của pháp luật; tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.