Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc làm cho bộ đội xuất ngũ: Hợp sức để giải quyết

Nguyên Hoa| 09/04/2016 07:42

(HNM) - Giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ không chỉ nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà còn là động lực để thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ bộ đội xuất ngũ có việc làm ổn định chưa nhiều, do đó rất cần sự hợp sức của các ban, ngành, đoàn thể từ địa phương đến thành phố để tìm

Phiên giao dịch việc làm với sự tham dự của rất đông thanh niên, quân nhân đã xuất ngũ. Ảnh: Quốc Anh


Chưa có nghề, khó tìm việc

Phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ được Trung tâm Tư vấn, giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) phối hợp với Trường Trung cấp nghề số 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) tổ chức cuối tháng 3 có sự tham gia của 40 doanh nghiệp, trường nghề với hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng, đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 bộ đội xuất ngũ. Bà Lê Thị Minh, ở huyện Mê Linh, có mặt tại phiên giao dịch việc làm từ rất sớm cho biết: "Con trai thứ 2 vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chưa có việc làm nên tôi muốn trực tiếp đến tham dự phiên giao dịch để xem khả năng của cháu có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng không. Vì chưa có nghề nên con tôi không được các nhà tuyển dụng lựa chọn".

Còn bộ đội xuất ngũ Nguyễn Văn Thanh, ở huyện Quốc Oai, cho biết sau một hồi tìm hiểu, trao đổi, anh quyết định về nhà làm công việc tự do. Sở dĩ anh Thanh quyết định như vậy, vì không tìm được công việc phù hợp. Việc anh Thanh thích thì phía tuyển dụng đòi hỏi có kinh nghiệm, tay nghề. Doanh nghiệp cũng tư vấn cho anh Thanh đi xuất khẩu lao động hoặc đi học nghề theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, nhưng bản thân anh vẫn đắn đo về cơ hội có việc làm.

Ngoài con bà Minh và anh Thanh, không có nhiều người ra về với tin vui ngay sau phiên giao dịch này. Theo đánh giá sơ bộ của Ban tổ chức, các nhà tuyển dụng chỉ tuyển được hơn 200 chỉ tiêu. Nguyên nhân được xác định là phía nhà tuyển dụng đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm. Trong khi đó, bộ đội xuất ngũ chủ yếu là lao động phổ thông.

Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp

Mỗi năm TP Hà Nội tuyển chọn và gọi khoảng 4.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Theo Quyết định 121 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ có nhu cầu và đăng ký học nghề ở trình độ sơ cấp sẽ được hỗ trợ học nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa bằng 6 tháng lương tối thiểu tại thời điểm học nghề. Thực hiện quyết định trên, khi có bộ đội xuất ngũ, Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã đều mời các doanh nghiệp, công ty, trường nghề đến tư vấn giới thiệu việc làm.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Quốc Khánh: Từ năm 2015 đến nay, Sở và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức được 3 phiên giao dịch việc làm, qua đó giới thiệu được hơn 600 bộ đội xuất ngũ vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, hai cơ quan còn phối hợp chỉ đạo tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã cho bộ đội xuất ngũ. Cùng với đó, Trường Trung cấp nghề số 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) hằng năm thu hút khoảng gần 1.000 bộ đội xuất ngũ về học nghề.


Đại tá Phùng Văn Thành, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Cầu Giấy cho biết: Năm 2015, quận Cầu Giấy có hơn 30 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Nhờ thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề đã có 3 thanh niên tìm được việc làm phù hợp, 1 người được nhận vào làm tại Trung tâm Y tế quận, 1 người được nhận làm tại Quận đoàn Cầu Giấy. Tuy vậy, con số này chưa phải là nhiều.

Để tăng cường công tác giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, năm 2015, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thực hiện quy chế phối hợp với Sở LĐ-TB&XH về tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong các đơn vị quân đội trên địa bàn TP Hà Nội. Mặc dù đã có những việc làm thiết thực, nhưng tỷ lệ bộ đội xuất ngũ trở về địa phương tham gia học nghề theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng và có việc làm chiếm tỷ lệ chưa cao.

Đặc biệt, những năm gần đây, số thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng cao khiến "bài toán" giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ càng khó khăn hơn. Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết: Một trong những cái khó là theo quy định, mỗi người sau khi xuất ngũ được cấp "Thẻ học nghề" ở trình độ sơ cấp, nếu có nhu cầu học nghề trung cấp và cao đẳng phải học tại các trường dạy nghề của Bộ Quốc phòng mới được hỗ trợ chi phí đào tạo. Trong khi đó, đa số trường nghề trên địa bàn thành phố đào tạo từ trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên nên bộ đội xuất ngũ nếu theo học sẽ không được hỗ trợ chi phí đào tạo.

Để có nhiều hơn nữa bộ đội xuất ngũ tìm được việc làm, các cấp, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp. Cơ quan quân sự các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ với các trường, cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương và các trường nghề cần phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để tạo "đầu ra" giúp bộ đội xuất ngũ có việc làm ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc làm cho bộ đội xuất ngũ: Hợp sức để giải quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.