(HNM) - Với mục tiêu kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, môi trường đầu tư - kinh doanh thời gian qua đã có cải thiện rõ rệt.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh trong tổng số hơn 4.000 điều kiện kinh doanh hiện có. Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện kinh doanh về tài chính, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm, 1.336 điều kiện kinh doanh về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện kinh doanh về quy hoạch... Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các điều kiện kinh doanh đa dạng, nằm ở nhiều văn bản khác nhau, phức tạp, chồng chéo về phạm vi quản lý. Đây là "rào cản" đối với đầu tư, gia nhập thị trường, hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới; thậm chí mang lại rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tạo cơ hội cho sự tùy tiện, nhũng nhiễu khi thực thi công vụ.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, có từ 30% đến 50% điều kiện kinh doanh có thể xem xét để bãi bỏ trong thời gian tới. Chính phủ luôn tập trung cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, song kết quả chưa như kỳ vọng, chất lượng môi trường kinh doanh của ta vẫn còn khoảng cách so với các nước ASEAN.
Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điểm, có tới 9 - 11% doanh nghiệp được hỏi xác nhận rằng, từng bỏ ra khoảng 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức. Thời gian để tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vẫn là gánh nặng, vấn đề "đau đầu" đối với doanh nghiệp... Bên cạnh đó, tình trạng dựa vào quan hệ, hình thành “chủ nghĩa thân hữu” để tiếp cận nguồn lực, thu về lợi ích có tính đặc quyền đã làm méo mó thị trường, gây bất bình đẳng trong kinh doanh.
Cho rằng việc rà soát, phát hiện những bất hợp lý về điều kiện kinh doanh nhằm loại bỏ “giấy phép con” chưa đạt yêu cầu, ông Phan Đức Hiếu lý giải, là do cơ quan quản lý phải xem lại chính những gì mình đã nghiên cứu, ban hành. Ngoài ra, không loại trừ tâm lý “tạo thuận lợi cho bên quản lý và đẩy khó khăn cho bên thực hiện” của cá nhân người làm công tác rà soát. Do đó, cần thành lập cơ quan độc lập, có đủ quyền hạn phản biện, giám sát và đưa ra ý kiến về chất lượng, sự cần thiết của mỗi điều kiện kinh doanh cụ thể. Cùng với đó, cần tăng cường đối thoại, phản biện chính sách từ phía doanh nghiệp, để bảo đảm tính logic và sự cần thiết trước khi ban hành quy định, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 8-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành nghiên cứu kết quả rà soát điều kiện kinh doanh, chủ động sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết. Trước đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng nghị định về kiểm soát điều kiện kinh doanh, trình Chính phủ ban hành trong quý IV-2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đã đề xuất thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo thông lệ quốc tế; thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, với tài liệu hướng dẫn chi tiết, rõ ràng, giúp doanh nghiệp tuân thủ hiệu quả. Chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng công nghệ trong quản lý để giảm rủi ro, chi phí. Đặc biệt, cần thắt chặt kỷ cương, đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với cá nhân lãnh đạo các cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương trong việc phục vụ doanh nghiệp. Cần phát hiện sớm và mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy những ai cố tình cản trở bước tiến chung, mục tiêu chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.