Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc đặt, đổi tên đường, phố: Cấp bách nhưng phải cẩn trọng

Minh Ngọc| 14/05/2014 06:29

(HNM) - Thủ đô Hà Nội trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính và có tốc độ đô thị hóa nhanh nên việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng vốn đã không dễ nay càng trở nên phức tạp.


Trùng lặp, lộn xộn

Ngoài mục đích phục vụ công tác quản lý đô thị, hành chính, giao thông, giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng còn thể hiện bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa của một thành phố, một địa phương. "Thủ đô Hà Nội đã được vinh danh là "Thành phố vì hòa bình", từng bước phấn đấu trở thành thành phố xanh, văn minh, thì việc đổi, đặt tên đường phố cũng phải góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nói trên. Tiếc rằng, hệ thống tên đường, tên phố ở Hà Nội hiện nay vừa trùng lặp, vừa lộn xộn, chưa chuyển tải được hết các giá trị, ý nghĩa của tên phố, tên đường", PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định.

Đường Lê Văn Lương kéo dài đang mang tên tự phát. Ảnh: Linh Ngọc


Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Anh Thư (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) dẫn chứng: Hà Nội hiện có rất nhiều tên phố tự phát (đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài hay phố Thủy Lợi ở sau Trường ĐH Thủy Lợi, ngõ Cột Cờ đối diện Bệnh viện Bạch Mai…). Hơn thế, nhiều tuyến đường mới trong các khu đô thị đủ điều kiện đặt tên nhưng lại chưa có tên, thay vào đó là những tấm biển chỉ đường bằng những ký tự rất khó hiểu. PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phản ánh, hiện có những đường, phố được đặt tên theo tên húy của các danh nhân (Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát…) nhưng cũng có những tên phố được đặt theo tên hiệu của danh nhân (phố Hoa Bằng - tên húy là Hoàng Thúc Trâm; phố Trúc Khê - tên húy là Ngô Văn Thiện)… Theo PGS.TS Đỗ Thị Hảo, cách đặt tên thiếu nhất quán như hiện nay khiến việc giáo dục, giới thiệu lịch sử, văn hóa qua tên đường phố khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, công tác đặt, đổi tên đường, tên phố ở Hà Nội khác với nhiều nước có quá trình đô thị hóa lâu đời. Ông Phạm Xuân Tài, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) phân tích: Tính đến nay, Hà Nội đã đặt tên cho 860 đường, phố, trong đó có 425 tuyến đường mang tên danh nhân (49,4%) và con số này có xu hướng tăng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Luân Đôn (Vương quốc Anh) chỉ chiếm 0,2%; ở Mỹ tên đường, phố lớn thường được đặt theo số chữ cái… Đó là chưa kể, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008, nhiều đường, phố ở Hà Nội cùng mang tên một danh nhân vẫn chưa được khắc phục. Lý giải cho sự tồn tại này, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT&DL Hà Nội) cho biết: "Việc đổi tên đường, phố vô cùng rắc rối và tốn kém vì sau khi đổi tên, các tổ chức, cá nhân sinh sống và làm việc tại đường, phố mới phải thay đổi toàn bộ giấy tờ, con dấu, bảng biển… nên trước mắt chưa thể khắc phục. Mặc dù vậy, những bất cập trong việc đặt, đổi tên đường, phố hiện nay là vấn đề không thể không giải quyết".

Phương án nào khả thi?

Trên thực tế, công tác đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng được điều chỉnh bởi Nghị định 91/NĐ-CP, ngày 11-7-2005 của Chính phủ và Quyết định 207 ngày 27-11-2006 của UBND TP Hà Nội. Song, hiện tại nhiều nội dung của các quy định này không phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, nhất là ở những khu đô thị mới, ở những xã đã thành phường.

Cho rằng việc đặt tên đường, tên phố trong các khu đô thị mới và những phường mới là hết sức cần thiết, TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đề xuất, đường trong các khu đô thị có thể đặt theo số ngõ của các đường đã có hoặc đặt theo chữ số cho dễ tìm, không nên đặt tên danh nhân. Với những xã đô thị hóa thành phường thì tên trục đường chính nên đặt theo tên làng; đường giao thông liên xã có thể đặt tên theo nhánh của tỉnh lộ hay quốc lộ. Ủng hộ đề xuất này, kỹ sư Nguyễn Viết Quân (nguyên cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội) kiến nghị HĐND, UBND TP Hà Nội cho bổ sung, mở rộng quy định về đặt tên đường, phố. Cụ thể, các tuyến giao thông xuyên suốt một địa bàn nhất định hoặc là trục của đường nhiều nhánh cần được gọi là đường, mặc dù có thể đường này chưa đủ rộng theo quy định. Các đường nội bộ trong khu đô thị nên được gọi là phố, lấy tên của khu đô thị kèm theo số hiệu thứ tự và việc đặt tên cũng nên phân cấp. Cũng theo ông Nguyễn Viết Quân, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm đặt tên cho khu đô thị, còn UBND các quận, huyện, thị xã lập số hiệu cho đường nội bộ…

Nhận định tương lai Hà Nội xuất hiện thêm nhiều khu dân cư mới, nhiều xã chuyển thành phường, PGS Đặng Văn Bài cho rằng, Hà Nội một mặt phải khắc phục những bất cập đang tồn tại, mặt khác phải xây dựng ngân hàng các loại tên đường, phố và công trình công cộng. "Ngoài cách đặt tên như hiện nay, chúng ta có thể khai thác vốn tên dân gian vô cùng phong phú, phản ánh những khát vọng tốt đẹp của người Việt Nam (hòa bình, an bình, thịnh vượng, yên hưng…); các nhân vật mang tính huyền thoại, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh, Bạch Mã, Linh Lang… hay các làng nghề nổi tiếng", PGS Đặng Văn Bài đề xuất.

Tuy là vấn đề cấp bách, song việc đặt, đổi tên đường, phố vẫn cần được thực hiện cẩn trọng, có lộ trình và tuân thủ yếu tố khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc đặt, đổi tên đường, phố: Cấp bách nhưng phải cẩn trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.