(HNM) - Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Đại hội sẽ hoạch định đường lối cùng những giải pháp khả thi để Thủ đô tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới. Ý Đảng hợp với Lòng dân chính là ngọn nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy nội lực, đưa các chủ trương, đường lối, nghị quyết thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội.
Những thành tựu ấn tượng đạt được của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2010-2015 cho thấy, khi việc của Đảng trở thành việc của nhân dân thì khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua, công việc phức tạp đến mấy cũng đạt được kết quả tốt đẹp. Những thành tựu đạt được của Hà Nội cũng là kết quả của sự đồng thuận xã hội với ý chí, quyết tâm cao độ của đội ngũ đảng viên, cán bộ các cấp cùng sự nỗ lực, phấn đấu với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội của các tầng lớp nhân dân.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, điểm nhấn đặc biệt đối với Đảng bộ TP Hà Nội là sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chính điều đó đã tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ về lề lối làm việc, về phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác tổ chức, cán bộ cũng chính là làm tốt công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân.
Xin dẫn một ví dụ: Khoảng cuối tháng 7-2014, Báo Hànộimới nhận được thư của các hộ gia đình và nhân dân sống dọc hai bên bờ mương Tân Lập, phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về việc quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời việc triển khai thi công tuyến mương K3B, gói thầu số 4 (thuộc dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội). Đáng chú ý, việc cải tạo, thi công mương Tân Lập chỉ là công trình thuộc một dự án thành phần, không quá khó khăn, phức tạp như thực hiện dự án cầu Nhật Tân, dự án đường sắt trên cao hay xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa… song lại có tác động không nhỏ, thậm chí trực tiếp hằng ngày, hằng giờ tới đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, hàng nghìn con người. Vậy mà trước đó, có thể nói, người dân chưa bằng lòng với cung cách, lề lối làm việc của cơ quan chức năng, cũng như của lãnh đạo chính quyền cơ sở nên buộc phải gửi đơn kiến nghị tới Bí thư Thành ủy Hà Nội. Kết quả là, từ sự chỉ đạo sát sao của người lãnh đạo cao nhất của thành phố, các cấp, các ngành đã khẩn trương vào cuộc, công trình đã nhanh chóng hoàn thành.
Một ví dụ khác. Ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, trong hai ngày 27 và 28-10-2015, huyện Phúc Thọ đã tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với đại diện nhân dân 23 xã, thị trấn để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã có khoảng 40 ý kiến trao đổi, kiến nghị của người dân. Đáng chú ý, Phúc Thọ là huyện đi đầu thành phố trong tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân và đây là hoạt động diễn ra thường xuyên trên địa bàn từ gần một năm qua.
Thông qua việc tổ chức đối thoại ở Phúc Thọ, cấp ủy, chính quyền các cấp có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; đánh giá lại tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp. Và quan trọng hơn là những bất cập, vướng mắc tồn tại được tháo gỡ kịp thời, công khai, minh bạch ngay tại cơ sở, không bị đẩy lên thành bức xúc, điểm nóng… Tổng kết lại, những kết quả tích cực địa phương đạt được thời gian qua trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân, có vai trò quan trọng của những buổi đối thoại vì đó chính là "chìa khóa" cho sự đồng thuận giữa người dân và cấp ủy, chính quyền.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ từ trung ương đến khu, đến tỉnh, huyện và xã đều phải một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của nhân dân, chứ không phải là quan cách mạng". Muốn vậy, Người cho rằng, phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết; phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Cùng vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh".
Bài học lớn về tư tưởng, hành động gần dân, trọng dân đã được Đảng bộ TP Hà Nội triển khai, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong nhiệm kỳ 2010-2015 với những biện pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tế. Cụ thể là việc gắn kết Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015" với triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và thực hiện đồng bộ công tác chính trị, tư tưởng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ở khía cạnh khác, việc gần dân, biết dựa vào dân và hành động vì lợi ích của nhân dân cũng chính là thuốc thử, là thước đo phẩm chất, năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý của đội ngũ đảng viên, cán bộ các cấp, các ngành.
Khi đội ngũ cán bộ, đảng viên tư duy, hành động đều đặt lợi ích của người dân lên vị trí hàng đầu, thực hiện nói đi đôi với làm, phát huy cao độ dân chủ trong Đảng và trong xã hội; khi nhân dân được trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát và thấy rằng bản thân mỗi người chính là chủ thể thực hiện các công việc do Đảng lãnh đạo và cũng là đối tượng trực tiếp thụ hưởng những thành quả mang lại, thì công việc của Đảng cũng chính là công việc của nhân dân; mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân được củng cố, tăng cường.
Đó chính là nguồn sức mạnh tổng hợp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015. Cụ thể là tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước; bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm tăng bình quân khoảng 7,1%; dự kiến đến cuối năm 2015 số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%); bình quân đầu người khu vực ngoại thành năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011; số hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015...
Phấn khởi, tự hào trước những thành tựu thu được trong nhiệm kỳ 2010-2015 từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tư tưởng, hành động gần dân, trọng dân, tất cả vì lợi ích của nhân dân; từ tình yêu, danh dự, trách nhiệm với Thủ đô và cả nước, chúng ta tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ TP Hà Nội, lập nên những kỳ tích mới trong giai đoạn 2015-2020, đưa Thủ đô phát triển lên tầm cao mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.