Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc cần làm ngay

Hồng Hà| 25/10/2014 07:46

(HNM) - Việt Nam là một trong số các quốc gia có lượng di sản thế giới (DSTG) dày đặc, rộng khắp, được UNESCO ghi danh. Chỉ tiếc rằng, việc khai thác, bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị của DS chưa tương xứng với tiềm năng, vừa ảnh hưởng đến tương lai của DS, vừa lãng phí thương hiệu.


Nhiều thách thức

Theo số liệu của UNESCO, mỗi năm có hơn 1 tỷ lượt khách du lịch đến tham quan các khu DSTG. Mặc dù chưa có thống kê chính thức, song việc đưa một khu vực vào danh sách DS thường đi liền với tỷ lệ tăng nhanh về số lượng khách du lịch, mang lại thương hiệu cho DS. Điều này thể hiện rõ qua sự phát triển du lịch ở các khu DSTG ở Việt Nam.

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Ảnh: Lê Tuấn



Trước khi được UNESCO công nhận, các DSTG ở Việt Nam chỉ đón vài chục nghìn lượt khách mỗi năm, thì đến nay, con số này đã tăng lên hàng triệu lượt người, mang về nguồn thu lớn cho người dân và ngân sách. Thế nhưng, theo đánh giá của ngành văn hóa, những kết quả đạt được từ việc khai thác DSTG ở Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tiềm năng, kéo theo đó là thương hiệu của DS đang bị lãng phí. Ngay với DSTG Vịnh Hạ Long, mặc dù lượng khách đến đây thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, nhưng hiệu quả vận hành, khai thác du lịch nhiều lần bị các nhà nghiên cứu, quản lý đánh giá là quá thấp khi nguồn thu từ du lịch mới đóng góp khoảng 2-3% GDP cho tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây.

Ngay sau khi được UNESCO vinh danh, tỉnh Ninh Bình cũng đã quảng bá DS Tràng An ra thế giới thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, mang lại cơ hội phát triển du lịch cho Ninh Bình. Tuy vậy, việc khai thác, quảng bá DS Tràng An theo hướng chuyên nghiệp vẫn là bài toán khó. Bởi, theo Phó Giám đốc BQL Khu du lịch Tràng An Bùi Văn Mạnh, muốn bảo tồn, khai thác DS Tràng An không thể không dựa vào cộng đồng, nhưng nhận thức của cộng đồng về DS hiện còn nhiều hạn chế. Không vướng khó khăn về nhận thức hay cơ sở hạ tầng, song DS Hội An (Quảng Nam) lại đang phải đối mặt với sự xuống cấp các công trình di tích. Như Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An Nguyễn Chí Trung phản ánh: Nhà cổ và các công trình di tích là phần "hồn" của DS Hội An, nhưng theo các quy định hiện hành, việc xin phép cải tạo, nâng cấp di tích trong khu phố cổ Hội An rất khó khăn. Muốn sửa chữa một công trình dù nhỏ, tỉnh Quảng Nam cũng phải trình hồ sơ thiết kế ra Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, trong khi đó, Hội An gồm một quần thể các công trình kiến trúc, chứ không phải là di tích riêng lẻ. Nếu áp dụng theo các quy định hiện hành thì quá trình tu bổ, chống xuống cấp di tích sẽ bị kéo dài, một số di tích có nguy cơ sụp đổ, nếu không áp dụng thì sẽ vi phạm luật. Chính vì lẽ đó, Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An hiện chưa biết xử lý ra sao đối với một số hồ sơ xin được sửa chữa. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có cơ chế quản lý đặc thù đối với DSVH Hội An và những DS tương tự như Hội An. Để tình trạng này kéo dài, chất lượng và thương hiệu của DS sẽ bị ảnh hưởng. Nói cách khác, DSTG được ví như những mỏ vàng, nếu không có cách bảo vệ, khai thác, quảng bá hợp lý, hiệu quả sẽ không cao", ông Nguyễn Chí Trung kiến nghị.

Việt Nam hiện có 8 DS văn hóa và thiên nhiên được UNESCO vinh danh, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Những DS này đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại các địa phương có di sản, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Cần một chiến lược quảng bá

Thực tế cho thấy, việc quảng bá DSTG nói riêng, DS nói chung đã được nhiều quốc gia trên thế giới và một số địa phương ở Việt Nam thực hiện thành công. Đó là cách quảng bá hang động Sơn Đoòng trong khu vực vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) lên các kênh truyền hình lớn của nước ngoài như: BBC, CNN, NHK... Giám đốc BQL Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng Lưu Minh Thành cho biết, tour mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng đã kín chỗ đến hết năm 2015 mặc dù giá không hề rẻ.

Không để lãng phí thương hiệu DS thêm nữa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam vừa phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội thảo "Xây dựng chiến lược quảng bá các di sản thế giới tại Việt Nam". Dù còn nhiều ý khác nhau, song các nhà quản lý văn hóa tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng, công tác quảng bá DSTG ở Việt Nam là việc cần làm ngay. Theo bà Dương Bích Hạnh (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam), chúng ta không nên hiểu rằng quảng bá DS cứ phải hoành tráng, rộng khắp mới mang lại kết quả, mà những việc làm rất nhỏ cũng có thể mang lại hiệu quả nhiều hơn chúng ta mong muốn. Ví như việc thuyết minh DS sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tạo ấn tượng với du khách, hay đơn giản chỉ là thái độ, cung cách phục vụ sao cho tận tình, chu đáo. Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Thanh Hương (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) cho rằng, BQL các DSTG ở Việt Nam có thể học tập mô hình "giáo dục du khách" của Cung điện Buckingham (Anh). Tại điểm tham quan này, khách mua vé qua mạng có thể vào được ngay, trong khi khách mua vé trực tiếp thường xuyên phải xếp hàng dài cả cây số. "Đây là một trong những cách làm chuyên nghiệp, bởi nó vừa giúp các nhà quản lý có thể yên tâm rằng du khách không trực tiếp làm hại đến DS quý giá; vừa là cách tiếp thị, quảng bá DS đơn giản mà hiệu quả", bà Hương khẳng định.

Ở góc độ khác, ông David Robinson (Tập đoàn truyền thông quốc tế QUO) kiến nghị BQL các DSTG tại Việt Nam cần tạo ra sức hút cho DS từ chính bản sắc của DS. Nói cách khác, mỗi DS nên có một slogan riêng, slogan này sẽ được in lên trên hình ảnh quảng bá các DS, khi nhìn vào đó, công chúng sẽ nhớ tới DS. Mặt khác, chiến lược quảng bá DSTG phải đặt thị trường mục tiêu vào nhóm khách du lịch có mức chi tiêu cao và thời gian lưu trú lâu dài, vì nhóm đối tượng này với nền tri thức sẵn có, họ thường quan tâm tới DS hơn các nhóm khác...

Hằng năm, UNESCO vẫn có những hoạt động giám sát các DSTG và có yêu cầu đối với mỗi quốc gia trong việc tạo sự bền vững cho DSTG. Rõ ràng đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược bảo vệ, quảng bá DSTG một cách bài bản, khoa học, bền vững…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc cần làm ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.