(HNM) - Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về tuyến chi viện hậu cần chiến lược - đường Trường Sơn - mãi trường tồn trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta. Nhắc đến đường Trường Sơn một thời bom đạn, chắc hẳn nhiều người đều nghĩ đến Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Bác Hồ.
1. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh là Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1-3-1923, tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập Đảng năm 1939. Trong thời gian 1947-1948, để tránh liên lụy đến gia đình, đồng chí dùng tên mới là Đồng Sỹ Nguyên, cái tên về sau gắn bó với cuộc đời còn lại.
Năm 1950, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều về Tổng cục Chính trị làm phái viên, biệt phái tham gia phối hợp Trung - Hạ Lào trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua nhiều cương vị, đồng chí luôn mang hết tâm lực, trí tuệ phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc...
Năm 1965, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được đề bạt giữ chức vụ Chính ủy Quân khu IV, sau đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung - Hạ Lào. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, với tư duy sắc sảo về chính trị, quân sự và kinh nghiệm dày dặn, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp cách mạng Lào không ngừng phát triển, có những cống hiến xứng đáng trong sự nghiệp đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào của Đảng và quân đội ta.
2. Tháng 1-1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Khi được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, kết hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn, với hàng chục, hàng trăm ngả như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”; phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700km đường bộ. Bên cạnh đó còn có 1.500km đường ống dẫn xăng, dầu, 1.350km đường dây cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông.
Để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá ngày càng điên cuồng của Mỹ, đầu năm 1972, Đoàn 559 đã sáng tạo mở “đường kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch. Chính trên những cung đường huyền thoại đó, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom, bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hệ thống đường Trường Sơn không đơn thuần là tuyến đường giao thông, mà thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của miền Bắc chi viện cho miền Nam và sự đánh phá ác liệt của địch. Từ các khí tài điện tử hiện đại đến các cuộc hành quân càn quét lớn của biệt kích phá hoại, hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học được đế quốc Mỹ rải xuống để tìm cách triệt hạ con đường.
Tuyến đường Trường Sơn ngày một phát triển, mở rộng là một trong những nhân tố quyết định để Bộ Chính trị đề ra kế hoạch giải phóng “Thần tốc, quyết thắng”, giành thắng lợi vang dội trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đầu năm 1974, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Tập thể Bộ đội Trường Sơn và 82 tập thể, 51 cá nhân thuộc Bộ đội Trường Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
Sau ngày miền Nam giải phóng, theo yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên giữ các chức vụ: Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh công trình; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Đặc phái viên Chính phủ... 68 năm hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ngày 28-2, tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 tổ chức gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn...
Chương trình gặp mặt kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là dịp để thể hiện lòng biết ơn của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 với những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn phải làm tốt hơn nữa việc giữ gìn, kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng của Bộ đội Trường Sơn...
Hiền Phương
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.