(HNM) - Lãnh đạo 6 quốc gia có chung lợi ích trên dòng sông Mê Kông gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam đã cùng tham dự một hội nghị đặc biệt tại thành phố biển Tam Á (Trung Quốc).
Lãnh đạo 6 nước tham dự hội nghị nhất trí hợp tác, phát triển bền vững sông Mê Kông. |
Với tuyên bố chung "Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê Kông - Lan Thương", Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Kông - Lan Thương lần thứ nhất đã khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực để khai thác hiệu quả và bền vững sông Mê Kông. Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các nước hạ nguồn sông Mê Kông đang gồng mình chống hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua.
Điểm khởi đầu của cơ chế hợp tác này bắt đầu từ tháng 11-2015 khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Kông - Lan Thương (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) lần thứ nhất được tổ chức tại Vân Nam, Trung Quốc. Là một trong 10 con sông lớn nhất thế giới và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục triệu người, nhưng hội nghị lần này là sự phối hợp đầu tiên giữa 6 nước thuộc lưu vực sông Mê Kông nhằm trao đổi về hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông. Sự ra đời của cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương cũng khẳng định cam kết của 6 quốc gia cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của tiểu vùng sông Mê Kông.
Trên tinh thần đó, hội nghị đã thống nhất các nguyên tắc trong khuôn khổ hợp tác Mê Kông - Lan Thương là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp, tham vấn lẫn nhau, tự nguyện cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế. Với ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế - phát triển bền vững và văn hóa - xã hội, hợp tác Mê Kông - Lan Thương sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: quản lý tài nguyên nước; kết nối; năng lực sản xuất; hợp tác kinh tế qua biên giới; nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Tuyên bố Tam Á, văn kiện mang tính định hướng lâu dài cho hợp tác Mê Kông - Lan Thương và Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất, danh sách dự án thu hoạch sớm. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mê Kông đối với sự phát triển các nước ven sông và nhất trí rằng, việc phối hợp quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông - Lan Thương là ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, một Trung tâm hợp tác nguồn nước Mê Kông - Lan Thương đã được đề xuất thành lập nhằm thúc đẩy chia sẻ thông tin dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt, hạn hán và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán và xâm nhập mặn, Việt Nam hiểu rõ sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia. Nhấn mạnh tiểu vùng Mê Kông đang đứng trước nhiều thách thức nhưng vẫn có không ít cơ hội phát triển, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mê Kông triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm, trong đó có việc đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc.
Cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN từ ngày 31-12-2015, việc đẩy mạnh hợp tác Mê Kông - Lan Thương có ý nghĩa quan trọng khi năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Giữa lúc các nước tiểu vùng Mê Kông đứng trước những thách thức về suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu khi hạn hán gay gắt đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và cuộc sống của hàng triệu người dân, việc định ra được cơ chế hợp tác và cam kết giữa 6 quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông là hết sức thiết thực và mang ý nghĩa sống còn.
Trong đó, việc Trung Quốc tăng cường xả nước các hồ chứa ở thượng nguồn theo đề nghị của các nước hạ nguồn Mê Kông để hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn là biểu hiện của sự chia sẻ lợi ích và thiện chí. Đây cũng được xem là sự khởi đầu tốt đẹp để cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương trở thành minh chứng và biểu tượng của sự gắn kết vì tương lai và sự thịnh vượng khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.