(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5635/UBND-KGVX (ngày 4-12-2020) về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các quy tắc ứng xử; siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy chính quyền các cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai quy tắc ứng xử… Đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hai Bà Trưng:
Lan tỏa những hình ảnh ứng xử đẹp trong cộng đồng
Sau gần 3 năm triển khai hai quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội), đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị và khi tiếp xúc với nhân dân. Tại các điểm công cộng, nhiều người dân đã nâng cao nhận thức, có lời nói văn minh, ứng xử đẹp…
Việc UBND thành phố ban hành Công văn số 5635/UBND-KGVX là hết sức thiết thực, giúp các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các quy tắc ứng xử của thành phố. Với chức năng nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin, chúng tôi sẽ tham mưu để lãnh đạo quận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện tốt hai quy tắc ứng xử của thành phố. Chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để lan tỏa những hình ảnh ứng xử đẹp trong cộng đồng dân cư, nơi công sở.
Ông Dương Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Đông Anh:
Bổ sung các quy tắc ứng xử của thành phố vào quy ước, hương ước
Từ năm 2017, hai quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Liên Hà và quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân cùng thực hiện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới về cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử; lồng ghép các nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng vào hướng dẫn thực hiện nội dung của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Để chỉ đạo của thành phố sớm đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã Liên Hà sẽ chỉ đạo hướng dẫn bổ sung các quy tắc ứng xử của thành phố vào quy ước, hương ước của cộng đồng và tăng cường tuyên truyền thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh...
Ông Nguyễn Kim Cương, công chức bộ phận “một cửa” phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Cách tuyên truyền hiệu quả nhất là từ “người thực, việc thực“
Qua các thông tin, tôi được biết, từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ Hà Nội đã kiểm tra công vụ đột xuất tại 124 cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Qua kiểm tra, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn tăng nhanh, từ 95% năm 2017 lên 99,98% trong 10 tháng năm 2020. Đặc biệt, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội nhiều năm được xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả này cho thấy các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy tắc ứng xử của thành phố và có sự chuyển biến rất rõ nét trong lề lối, tác phong, hiệu quả xử lý công việc. Do đó, tôi rất đồng tình khi thành phố chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử. Ngoài ra, việc thành phố yêu cầu tăng cường phát hiện các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay trong thực thi công vụ để kịp thời động viên, khen thưởng và nhân rộng là hết sức cần thiết bởi không có bất kỳ hình thức tuyên truyền nào hiệu quả hơn từ “người thực, việc thực”.
Ông Đỗ Việt Hưng - Khu chung cư Green Bay, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm:
Cần đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử
Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy tắc ứng xử ở một số nơi, một số đơn vị chưa được chấp hành nghiêm túc, thường xuyên; triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng ở một số nơi còn mang tính hình thức, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, việc thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm... là rất cần thiết. Ngoài ra, theo tôi, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện các quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.