Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao xuất khẩu và nhập khẩu giảm tốc?

Hồng Sơn| 27/06/2016 07:45

(HNM) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2016, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, hoạt động về xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực này có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Vì thế, ngành chức năng cần theo dõi, phân tích, tìm ra giải pháp để hoạt động thu hút vốn ĐTNN đạt hiệu quả cao hơn.

Kết quả ấn tượng

Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 907 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 7,56 tỷ USD, tăng 155,9% so với cùng kỳ năm 2015 và 425 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký thêm là 2,59 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả thu hút vốn ĐTNN tăng trưởng đều đặn từ đầu năm và thực tế cũng cho thấy, hiếm có giai đoạn cùng kỳ nào trong các năm trước lại có kết quả khả quan như vậy. Bên cạnh đó, các dự án ĐTNN đã giải ngân được 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015. Mức giải ngân này cũng gia tăng qua từng tháng, thể hiện niềm tin đối với môi trường kinh doanh và khả năng bảo toàn đồng vốn, sinh lời đối với giới đầu tư.

Sản xuất máy in laser tại Công ty TNHH Canon Việt Nam.Ảnh: Bá Hoạt



Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quan hệ đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đang ở giai đoạn phát triển nhanh, hứa hẹn những kết quả tốt đẹp. Nhiều DN Mỹ muốn gia tăng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Họ nhìn thấy cơ hội và tiềm năng to lớn cùng các điều kiện thuận lợi khi bỏ vốn vào đây, với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực và nhất là vai trò của một quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, rất có thể DN Mỹ và những đối tác quan trọng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ là tác nhân thúc đẩy thu hút ĐTNN năm nay cũng như những năm tiếp theo.

Thống kê trong 5 tháng đầu năm nay, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN, với 398 dự án đăng ký mới, nâng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,61 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng. Điều này phù hợp với định hướng tăng cường thu hút vốn vào các ngành công nghiệp quan trọng, từ đó đẩy nhanh tốc độ thực hiện CNH-HĐH đất nước.

Theo địa bàn đầu tư, Hà Nội nổi lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ĐTNN, với 139 dự án cấp phép mới, 41 dự án điều chỉnh vốn, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên 1,96 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Đây là sự “đổi ngôi” cho thấy sức hấp dẫn đầu tư nói chung và của Thủ đô nói riêng đang được cải thiện mạnh mẽ. Cộng đồng DN ĐTNN quan tâm, nghiên cứu khả năng để tiến tới triển khai các dự án công nghệ cao, có sáng tạo trên địa bàn Hà Nội nhằm tận dụng vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi về giao thông và nguồn nhân lực có chất lượng hàng đầu trong toàn quốc.

Giảm tốc cả xuất khẩu và nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) trong 5 tháng qua đạt hơn 48 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, chiếm 71,28% KNXK. Thực tế này đặt ra hai khía cạnh. Trước hết, phần xuất khẩu của khu vực ĐTNN vẫn duy trì tỷ trọng hơn 70% tổng KNXK như thường lệ. Nhưng tốc độ tăng trưởng đang trong xu hướng giảm, bởi thông thường khu vực này luôn đạt tốc độ tăng hơn 10%, cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) của khu vực ĐTNN trong 5 tháng đạt hơn 39 tỷ USD, chỉ bằng 98,1% so với cùng kỳ. Kết quả này thể hiện sự giảm sút rất mạnh và hiếm khi xảy ra về nhập khẩu của khu vực ĐTNN.

Lý giải về thực tế này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời điểm giữa năm là lúc hoạt động sản xuất, kinh doanh thường có biểu hiện ổn định, khó có sự bứt phá. Nhưng, nhìn chung không nên có quan điểm cứng nhắc là mọi chỉ số phải luôn tăng theo thời gian, vì thực tế không bao giờ diễn ra như vậy. Việc tăng, hoặc giảm về KNNK còn phụ thuộc nhiều yếu tố và tác động liên quan. Trước tình hình này, Chính phủ nên kiên trì những biện pháp hỗ trợ thiết thực, tập trung vào cải cách hành chính để giảm thời gian, công sức, chi phí cho DN ĐTNN trong quá trình thực hiện thủ tục thuế, hải quan, các đăng ký liên quan đến DN… Khi DN đối diện thách thức hoặc bất lợi, Nhà nước càng cần tìm hiểu, nắm bắt để hỗ trợ kịp thời bằng những cơ chế, biện pháp “mềm”.

Như vậy, xét cả về xuất khẩu và nhập khẩu, DN ĐTNN đều đang gặp vấn đề phát sinh, mà nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu của nhiều khu vực thị trường quốc tế trên đà giảm sút. Đặc biệt, đã xuất hiện hiện tượng "bão hòa" về nhu cầu tiêu thụ của một số loại sản phẩm điện tử gia dụng, ti vi, máy tính cũng như điện thoại thông minh. Đây là một phản ứng thị trường diễn ra tự nhiên sau nhiều năm phát triển như vũ bão, nhưng rất đáng lo ngại bởi đó là những sản phẩm có thế mạnh của các DN ĐTNN ở Việt Nam. Vấn đề này khó cải thiện trong một sớm một chiều và hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu cũng như khả năng hồi phục sức mua của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao xuất khẩu và nhập khẩu giảm tốc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.