(HNM) - Xa xôi và vắng vẻ là tình trạng của khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp hiện nay. Tuy giá thuê rẻ, được trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại nhưng nhà ở sinh viên vẫn không thu hút được sinh viên đến trọ học. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Tòa nhà A1 khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp. Ảnh: Khánh Huy |
Rẻ, đẹp nhưng chưa "hút" sinh viên
Với 70 trường đại học, 22 trường cao đẳng cùng nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội, việc giải quyết nơi ở cho hơn 300.000 sinh viên là bài toán nan giải đối với các trường. Để giải quyết thực trạng này, TP Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng hai khu nhà ở cho sinh viên, tại Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) và Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai). Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có 3 khối nhà đã hoàn thiện (gồm A1, A5, A6), cao 19 tầng, đáp ứng chỗ ở cho 4.032 sinh viên, với thiết kế đồng bộ, hiện đại, có thang máy, các phòng rộng 57m2, trang bị đầy đủ tiện nghi. Mức giá cho sinh viên thuê cũng rất ưu đãi, mỗi tháng chỉ 205.000 đồng/người/tháng.
Thế nhưng, khu nhà vẫn trong tình trạng vắng khách. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay mới có khoảng 2.000 sinh viên tới trọ học tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Một trong những nguyên nhân khiến khu nhà chưa thu hút đông sinh viên là do thời điểm đưa công trình vào khai thác, sử dụng (tháng 2-2015), mạng lưới giao thông công cộng tại khu vực này chưa thuận tiện. Cả khu chỉ có duy nhất tuyến xe buýt 60A đến Bến xe Nam Thăng Long, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo lớn ở khu vực: Giáp Bát, Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng… Đặng Hồng Minh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân kể, sau khi tìm hiểu, thấy việc đi học khá xa nên em quyết định không thuê phòng tại đây, mà trọ gần trường để tiện cho việc học hành. Nhiều sinh viên khác cũng không muốn chuyển đến đây vì nơi ở quá xa trường học, không thuận tiện đi lại.
Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực này chưa phát triển đồng bộ, thiếu khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, do đặc điểm đây là khu ký túc xá tập trung, cao tầng nên không cho phép sinh viên nấu ăn tại phòng để phòng chống cháy nổ, nên công suất thuê phòng tại đây chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Ngược lại, khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình hiện có tỷ lệ lấp đầy 98% do gần các trường đại học, lại nằm trong khu đô thị đã hoàn chỉnh theo quy hoạch, dân cư đông, hàng quán nhộn nhịp. Bao gồm 3 tòa nhà chung cư cao 21 tầng, khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình đáp ứng 7.638 chỗ ở. Mỗi phòng ở tại đây rộng 45m2, bố trí 6 sinh viên, mức giá thuê chỉ 215.000 đồng/người/tháng. Khu nhà có cả phòng tập gym, phòng khách, phòng giặt.
Nguyễn Hồng Quân, một sinh viên đang trọ học tại đây nhận xét, phòng ở khang trang, sạch sẽ và giá thuê khá rẻ. Tuy nhiên, khi quyết định thuê phòng tại đây cũng đồng nghĩa sinh viên phải làm quen với việc chấp hành nghiêm túc nội quy về giờ giấc sinh hoạt. Việc đi sớm về muộn hay tụ tập đàn hát tự do, như ở các khu nhà trọ bình dân, chắc chắn không có tại khu nhà ở sinh viên.
Không để nhà ở sinh viên bị “cô lập”
Nhận xét về thực trạng vắng sinh viên đến trọ tại khu nhà ở tập trung, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư cho rằng, việc thiếu thốn hạ tầng khiến các khu nhà ở hay khu đô thị không thu hút người dân đến sinh sống. Tại các quốc gia trên thế giới, khi xây dựng trường đại học, phương án xây dựng nhà ở cho sinh viên luôn đi kèm để hình thành một khu đô thị hoàn chỉnh, với thư viện, nhà thể thao, sân bóng... Thực tế này cho thấy, khi chúng ta quản lý quy hoạch tốt thì các công trình xây dựng mới đạt hiệu quả cao và không lãng phí.
Đồng quan điểm, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nên sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của nếu thiếu vắng người ở. Nếu cách tổ chức cuộc sống ở đấy theo kiểu quá cổ điển, giống các khu ký túc xá từ thời xưa thì khó thu hút sinh viên. Thế nên, chúng ta phải thay đổi cách quản lý để không rơi vào lãng phí và đáp ứng đúng nhu cầu nhà ở cho sinh viên.
Để khắc phục những bất cập tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận kéo dài tuyến xe buýt số 21 (tuyến 21B - Pháp Vân - Bến xe Yên Nghĩa) phục vụ khu nhà từ 1-12-2015, đồng thời tăng tần suất phục vụ các tuyến xe buýt. Riêng tuyến buýt 21B sẽ tăng từ 30 đến 35 phút/chuyến lên 10-15 phút/chuyến. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp thêm dịch vụ phục vụ tòa nhà, dành một số phòng ở mỗi tầng làm phòng sinh hoạt chung… với hy vọng khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ sớm trở thành một “làng sinh viên” đông đúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.