(HNM) - Năm 2014, làng cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây) là một trong số di tích được Bộ VH-TT&DL cho phép lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt để trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Tuy vậy, do chưa giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển nên việc đệ trình hồ sơ di tích phải tạm thời lùi lại để
Lòng dân đã thuận
Khác hẳn với không khí "đùng đùng" đòi trả danh hiệu di tích quốc gia của một số hộ dân ở Đường Lâm cách nay một năm, hầu hết người dân đã đồng thuận với chính quyền trong việc lập hồ sơ xin xếp hạng làng cổ ở Đường Lâm là di tích quốc gia đặc biệt. Đó là sự thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân, khẳng định rõ hơn giá trị của di sản, mục tiêu khai thác giá trị của di sản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Theo ông Phan Văn Bản, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thôn Mông Phụ, những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở làng cổ Đường Lâm nói chung, ở thôn Mông Phụ - vùng lõi của di sản nói riêng, sẽ từng bước được giải quyết dứt điểm. Cơ sở để tin vào điều đó là "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm", văn bản có những quy định hết sức rõ ràng về quản lý, bảo tồn di sản, mở ra cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã được phê duyệt. Nếu làng cổ ở Đường Lâm sớm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, người dân sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ khối di sản quý báu. Tán thành quan điểm đó, ông Trương Văn Sệ, thủ từ đình Cam Thịnh nói: "Cứ nhìn vào cách người dân mang cột kèo ra chống đỡ đình Cam Thịnh trước nguy cơ sập đổ là đủ thấy người dân có ý thức giữ gìn di tích đến mức nào. Thỉnh thoảng, một cách tự giác, các vị cao niên trong làng đã họp nhau lại, bàn phương án chống xuống cấp cho đình".
Làng cổ Đường Lâm. |
Trong thời gian gần đây, khi được hỏi, nhiều người dân ở Đường Lâm nói rằng họ luôn mong mỏi ngôi làng của mình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nếu trở thành di tích quốc gia đặc biệt thì việc phát triển du lịch tại khu vực làng cổ sẽ thuận lợi hơn. Không chỉ thể hiện sự đồng thuận bằng lời nói, đại diện các ngành, đoàn thể ở 5 thôn trong khu vực bảo tồn làng cổ đã ký biên bản đồng thuận đề nghị xếp hạng làng cổ ở Đường Lâm là di tích quốc gia đặc biệt. Trong biên bản cuộc họp ngày 16-4 giữa Thị ủy, UBND và các ngành chức năng thị xã Sơn Tây với chính quyền và nhân dân xã Đường Lâm, đại diện cho nhân dân khẳng định: "Làng cổ ở Đường Lâm trở thành di tích quốc gia đặc biệt sẽ là niềm cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích một cách hiệu quả, bền vững".
Ưu tiên giải quyết những vấn đề đang tồn tại
Khách quan mà nói, sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân Đường Lâm đối với việc lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt là yếu tố vô cùng thuận lợi để di tích sớm được "nâng cấp" thương hiệu. Càng thuận lợi hơn khi Bộ VH-TT&DL đã có văn bản số 677/ BVHTTDL-DSVH yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích làng cổ ở Đường Lâm. Tiếp đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Công văn 2027/UBND-VX ngày 24-3 đề nghị các địa phương có di tích được Bộ VH-TT&DL cho phép đệ trình hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt trong năm 2014 khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và gửi về Bộ VH-TT&DL đúng thời hạn.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, việc lập hồ sơ khoa học di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Đường Lâm đã được thị xã Sơn Tây cơ bản hoàn thiện, chỉ chờ Sở VH-TT&DL Hà Nội đồng ý là gửi đi. Tuy nhiên, Sở VH-TT&DL cho rằng, thời điểm đệ trình hồ sơ làng cổ Đường Lâm nên lùi lại thì hợp lý hơn. "Làng cổ ở Đường Lâm hoàn toàn xứng đáng được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Việc nhân dân Đường Lâm đồng thuận đề cử di sản là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ người dân đã hiểu được di tích có giá trị lớn lao cả về vật chất và tinh thần. Song, để tránh lặp lại những vướng mắc, mâu thuẫn trong quá trình khai thác di sản "sống" này, thị xã Sơn Tây và người dân Đường Lâm nên ưu tiên giải quyết những vấn đề đang tồn tại. Mặt khác, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm mới được triển khai, quy chế quản lý làng cổ Đường Lâm mới được áp dụng, cần có thời gian "chạy" thử; các ngành chức năng và bản thân mỗi người dân cũng cần có thời gian kiểm nghiệm tính khả thi của quy hoạch và quy chế. Đến khi người dân thấy ổn, các hoạt động diễn ra trong khu vực di tích "vận hành" tốt, chúng ta đề cử di tích vẫn chưa muộn. Khi đó, di tích sẽ có những điều kiện để khai thác tốt hơn", ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội lý giải.
Thời hạn nộp hồ sơ khoa học lên Bộ VH-TT&DL để Bộ xem xét trình Chính phủ công nhận các di tích quốc gia đặc biệt năm 2014 là ngày 30-6. Như vậy, việc trình hồ sơ di tích làng cổ Đường Lâm sẽ phải lùi lại. Chậm mà chắc, đó là cách xử lý vấn đề của nhà quản lý văn hóa Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.