Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao “cát tặc” vẫn hoành hành?

Triệu Dương - Thanh Hải| 23/11/2013 05:19

(HNM) - Đang trong mùa khô, mùa xây dựng, cũng là thời điểm

Giải pháp không đủ mạnh

Những ngày giữa tháng 11 này, có mặt tại tuyến đê xã Hồng Vân (Thường Tín), Khai Thái (Phú Xuyên), vẫn thấy những đoàn xe chở cát xuôi ngược. Chưa năm nào mà cuộc chiến chống "cát tặc" lại diễn ra mạnh mẽ như năm nay.

Tàu “cát tặc” và phương tiện hút cát bị Đội CSGT đường thủy số 3 thu giữ.


Bước sang mùa khô 2013, nhận định "cát tặc" sẽ quay lại hoành hành trên các tuyến sông (chủ yếu là sông Hồng) đoạn qua Hà Nội, CATP Hà Nội đã chủ động giao nhiệm vụ cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CS PCTP về MT), CSGT đường thủy và CA các quận, huyện ven sông lên kế hoạch trấn áp. Kết quả đạt được, trong 3 ngày (từ 24 đến 26-10), Phòng CS PCTP về MT đã bắt quả tang tàu xi măng BKS HD 0989 trọng tải 60 tấn của Phạm Văn Tĩnh (SN 1977) ở Kim Thành, Hải Dương và tàu trọng tải 60 tấn BKS VP 0391H do Phí Văn Miết (SN 1983), ở Yên Dũng, Bắc Giang điều khiển đang hút trộm hàng chục mét khối cát đen trên sông Hồng, đoạn qua xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm. Trước đó, rạng sáng 13-9 CA quận Long Biên bắt quả tang hành vi thu mua cát sai quy định của Công ty Hoài Trang. Trong 3 tháng gần đây, CAH Đan Phượng đã phát hiện, xử lý 7 vụ, 7 đối tượng, phạt hành chính 105 triệu đồng. Đặc biệt, cơ quan công an đã tịch thu 1 tàu tự đóng chưa đăng ký; 2 tàu thủy nội địa, 8 đầu nổ, 4 sên hút cát và nhiều ống hút cát chuyên dụng…

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó phòng CSGT đường thủy - CATP Hà Nội - khẳng định, vượt mọi khó khăn, thiếu thốn vật chất và nhân lực, CSGT đường thủy Hà Nội đã mai phục bắt giữ nhiều tàu "cát tặc". Tuy nhiên, các tàu thường lợi dụng đêm khuya và thời điểm vắng bóng lực lượng chức năng để hút trộm cát. Điển hình nhất trong 2 đêm trung tuần tháng 4 vừa qua, Phòng CSGT đường thủy Hà Nội phối hợp với Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an) đã bắt giữ 17 tàu thuyền các loại có hành vi hút trộm cát dưới sông Hồng đoạn đi qua huyện Phú Xuyên. Vụ việc này được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay, có tác dụng răn đe làm giảm hẳn việc khai thác cát trộm dưới lòng sông vào mùa "cát tặc" lộng hành những tháng cuối năm 2013. Nhớ lại thời điểm bắt giữ 17 tàu "cát tặc", Trung tá Lê Văn Phúc, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát số 3, Phòng CSGT đường thủy Hà Nội cho biết: "Cát tặc thường lợi dụng lúc trời nhá nhem và đêm tối để thực hiện hành vi khai thác tài nguyên trái phép nên việc trinh sát và bắt quả tang là hết sức khó khăn. Phải mất hàng tháng trời nắm địa bàn và nắm tình hình mới có thể bắt được vụ khai thác cát trái phép lớn nhất từ trước đến nay". Đó là vào lúc 1h đêm 6-4, khi 11 tàu thuyền không giấy phép hoạt động từ Thanh Hóa ra đang giăng thành hàng ngang trên sông Hồng hút trộm cát đã bị bắt quả tang. Vào thời điểm kiểm tra, 7 phương tiện tàu thuyền loại xi măng cốt thép có công suất máy 25 CV đang trực tiếp cắm vòi hút xuống sông Hồng vận chuyển cát lên 4 tàu trọng tải 120 tấn neo đậu thành hàng ngang trên sông.

Phải làm rõ trách nhiệm

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đánh giá, nguyên nhân chính gây ra hàng loạt vụ sụt, sạt bờ, bãi sông trong thời gian qua là do tình trạng khai thác cát trái phép. Đây là nguyên nhân làm cho luồng lạch trên sông bị xáo trộn, dòng chảy bị dịch chuyển, khi lũ về sẽ gây ra xói mòn và sạt lở đê. Càng vào những tháng cuối năm ít mưa, khi dòng chảy bị thu hẹp "cát tặc" càng hoành hành. Điển hình cho tình trạng này là việc dọc sông Hồng từ Ba Vì đến Phú Xuyên, tàu hút cát đậu thành hàng, chỉ chờ đêm khuya, lúc vắng bóng lực lượng chức năng là thả vòi xuống hút thẳng cát lên xà lan và tàu thuyền. Theo chỉ huy Phòng CSGT đường thủy - CATP Hà Nội, những chiếc tàu và xà lan đó đều là tàu "cát tặc" nhưng phải bắt được quả tang cơ quan chức năng mới có cơ sở xử lý được. Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội khẳng định, nạn "cát tặc" đã làm sạt lở các vị trí K12+458 xã Đặng Xá, K18+900 xã Phù Đổng, K20+400 đến 600 xã Lệ Chi và xã Trung Mầu đều thuộc huyện Gia Lâm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các kè Sen Hồ, kè Lời, Đổng Viên, Thịnh Liên và làm mất một số diện tích đất sản xuất của địa phương. Đặc biệt, sự cố sạt lở kè Xuân Canh, huyện Từ Liêm có nguyên nhân từ việc khai thác cát trái phép.

Để hạn chế tình trạng hút cát trộm, mới đây Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng đối với 34 tổ chức, cá nhân tại các quận, huyện như Thường Tín, Sơn Tây, Long Biên, Hoàng Mai, Đông Anh, Phú Xuyên, phát hiện có 19 bãi chứa khoảng 161.000m3 cát đen không rõ nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân tiếp tay cho các tàu hút cát có cơ hội lộng hành. Khi chúng tôi khảo sát dọc tuyến đê sông Hồng và sông Đuống đã gặp không ít cảnh tàu hút cát ngang nhiên hoạt động và sà lan chở cát nối thành hàng đi trên sông. Nhiều bãi cát dưới khu vực Chèm, (huyện Từ Liêm) gần khu vực cầu Sông Đuống, huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, những đống cát chất cao như núi. Trên các tuyến đê này, xe tải chở cát chạy rầm rập khiến mặt đường lún nứt. Thậm chí, trên đê sông Đuống, có đoạn ống hút cát được bắc qua thân đê. Cũng trong đợt kiểm tra về môi trường, khoáng sản năm 2013, huyện Phú Xuyên đã phát hiện 5/8 bãi tập kết cát ở các xã Quang Lãng, Khai Thái, thị trấn Phú Minh. Toàn bộ bến bãi này đều do địa phương ký cho thuê đất sai thẩm quyền, nhiều hợp đồng hết hạn nhưng chưa được ký tiếp. Huyện Phú Xuyên đã yêu cầu chính quyền các xã Quang Lãng, Khai Thái thanh lý những hợp đồng ký sai thẩm quyền, giải tỏa các bến bãi không đúng quy định. Mới đây, ngày 13-9, Công an quận Long Biên đã bắt giữ các tàu hút cát lậu của Công ty Hoài Trang tại địa bàn phường Cự Khối. Theo người dân địa phương, công ty này ngang nhiên lập bến bãi, xây dựng cả một trạm trộn bê tông với công suất hàng chục nghìn khối, ô tô và máy móc chạy rầm rập suốt ngày đêm mà chính quyền sở tại không hề có biện pháp xử lý (?). Chính điều này đã gây bức xúc trong dư luận về sự lộng hành của "cát tặc" cần phải giải quyết triệt để. Rõ ràng, chính quyền địa phương đã thiếu trách nhiệm và có tình trạng bảo kê cho cát tặc lộng hành. Vấn đề đặt ra là lực lượng chức năng cần phối hợp chính quyền, CSGT đường thủy và công an huyện sở tại để tấn công xử lý cát tặc triệt để.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng CA huyện Phú Xuyên cho biết, tháng 8-2013 vừa qua giữa 3 tỉnh, thành phố là Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, đặc biệt là các huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam), Kim Động và Khoái Châu (Hưng Yên) cùng 10 xã ven sông Hồng đã phối hợp ký cam kết chống "cát tặc". Theo cam kết này lực lượng chức năng sẽ xử lý và ngăn chặn tình trạng lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động. Từ đầu năm 2013 đến nay, CA huyện Phú Xuyên đã tiến hành xử phạt 6 vụ việc liên quan đến "cát tặc" giảm một nửa số vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cho biết, hiện tại địa phương đang chờ kết quả thẩm định của các sở, ban, ngành thành phố cho phép 2 doanh nghiệp được quyền khai thác cát theo kế hoạch. Theo phân tích của ông Chiêu, cách làm này có nhiều lợi thế khi Nhà nước thông qua doanh nghiệp thu được thuế tài nguyên và nhiều nguồn thuế khác từ việc khai thác cát có quản lý, giám sát từ chính quyền địa phương. Hiện tại thành phố đã cho phép huyện Phú Xuyên quy hoạch 2 bãi trung chuyển vật liệu xây dựng và khai thác tài nguyên ven sông Hồng. Ông Chiêu cũng đề nghị thành phố và cơ quan chức năng sớm tiến hành quy hoạch thống nhất quản lý các điểm được phép khai thác cát, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện mới có thể ngăn chặn được nạn khai thác cát lậu lộng hành như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao “cát tặc” vẫn hoành hành?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.