Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì lợi ích quốc gia

Gia Khánh| 07/06/2021 06:36

(HNM) - Mới đây, khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương về việc cập nhật, bổ sung đánh giá báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để chuẩn bị báo cáo cấp có thẩm quyền, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ví dụ, có lãnh đạo một tỉnh miền núi phía Bắc đề xuất ý tưởng đào hầm qua núi để rút ngắn thời gian di chuyển lên trung tâm tỉnh còn khoảng 10 phút, nhưng kinh phí đầu tư dự kiến tới 2.500 tỷ đồng.

Trong khi, một huyện khác của tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, chỉ cần đầu tư khoảng vài trăm tỷ đồng để mở rộng đường kết nối là có thể phát triển cả huyện. “Rút ngắn 10 phút đi đường cũng cần, nhưng phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Có lẽ, ví dụ trên cũng là vấn đề ở nhiều địa phương hiện nay, đồng thời cho thấy đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả vẫn là câu chuyện thời sự. Thực tế, đã từng có nhiều dự án được đầu tư với số tiền lớn nhưng dừng nửa chừng, chậm bàn giao hoặc đưa vào vận hành không hiệu quả do thiếu vốn, nguyên liệu, thiết bị lạc hậu...

Sự dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả còn biểu hiện ở ngay khâu đăng ký, lập kế hoạch đầu tư công. Địa phương nào cũng muốn có nhiều dự án đầu tư, thậm chí địa phương nghèo, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn nhỏ, ngân sách có hạn nhưng dự kiến tới hàng trăm dự án đầu tư trong 5 năm.

“Phải cân nhắc dự án nào hiệu quả nhất trong bối cảnh nguồn lực có hạn”. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là các bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu, tính toán, điều chỉnh các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu đột phá cho phát triển, vào công trình phục vụ an sinh xã hội…; phải thay đổi tư duy khi xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư. Khuyến khích, thu hút hiệu quả các nguồn lực xã hội, cái gì tư nhân làm được và pháp luật cho phép nên để tư nhân làm. Vốn đầu tư công là vốn “mồi” để thu hút mọi nguồn lực khác hay dành cho những dự án phát triển có tính lan tỏa; làm dự án nào phải rõ hiệu quả và chắc tiến độ hoàn thành dự án đó. Tính toán cho thấy, cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài khu vực nhà nước và nếu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng 1%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) có thể tăng thêm 0,058%.

Cụ thể hơn, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công (dự kiến là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với giai đoạn 2016-2020).

Do đó, để khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, danh mục dự án đầu tư công phải được rà soát kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án, kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả. Cơ chế, thủ tục đầu tư phải tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm công khai, minh bạch, loại bỏ “xin - cho”. Cùng với việc phân cấp, phân quyền, cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị từ việc rà soát, đề xuất, triển khai đến khi hoàn thành đưa dự án vào sử dụng; đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…

Trở lại cuộc làm việc ngày 24-5 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả chưa cao là do đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, do đó phải dứt khoát khắc phục tình trạng này. Đây là nhiệm vụ cần làm ngay, vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Và, thật đáng mừng, khi theo thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, chỉ một tuần kể từ khi Chỉ thị số 13/CT-TTg được ban hành, đã có khoảng 1.000 dự án đầu tư công được các bộ, ngành, địa phương công bố cắt giảm. Như vậy, số lượng dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giảm xuống còn 5.000 dự án theo yêu cầu của Thủ tướng, nghĩa là giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020 (11.000 dự án), và hơn 4 lần so với giai đoạn 2011-2015 (22.000 dự án).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì lợi ích quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.