(HNMO) - Vừa qua, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đã kết luận 1 mẫu đất được lấy từ khu vực gia đình ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có 3 con tử vong có vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Phóng viên HNMO đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Không phải chuyện lạ
- Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đã kết luận, 1 mẫu đất được lấy tại khu vực có nguy cơ cao của gia đình ở huyện Sóc Sơn có 3 con tử vong (trong đó có 2 trẻ dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore) có vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã nhận được kết quả này chưa, thưa ông?
- Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương đã thu thập các mẫu đất và nước tại khu vực nhà, vườn của bệnh nhân, hiện nay đã có kết quả. Viện đã gửi kết quả xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội. Chúng tôi cũng đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Nhiều người dân khá lo lắng khi biết thông tin này. Xin ông cho biết, việc vi khuẩn gây bệnh Whitmore được tìm thấy tại mẫu đất xét nghiệm của gia đình ở Sóc Sơn có được coi là bình thường?
- Ngay sau khi xuất hiện các trường hợp tử vong của 2 cháu nhỏ tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn do bệnh Withmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cùng Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã tổ chức tuyên truyền cho người dân tại xã Bắc Sơn hiểu về bệnh và các biện pháp phòng bệnh này, bằng nhiều hình thức, như phát tờ rơi đến các hộ gia đình, phát trên hệ thống đài truyền thanh xã, huyện và tổ chức truyền thông trực tiếp tại UBND xã Sóc Sơn cho các ban, ngành đoàn thể và người dân trong xã...
Việc Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương xét nghiệm và tìm thấy vi khuẩn gây bệnh Whitmore trong mẫu đất lấy tại khu vực vườn nhà bệnh nhân, theo chúng tôi, không phải là chuyện lạ hay bất thường. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có trong đất ở điều kiện bình thường giống như một số vi khuẩn khác như vi khuẩn than, uốn ván, các vi khuẩn gây hoại thư sinh hơi…
- Khi đất, nước có vi khuẩn gây bệnh Whitmore thì cần được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Khu vực vườn và các khu vực liên quan của gia đình nhiễm khuẩn ở Sóc Sơn đã được phun khử trùng. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn sống tự nhiên lâu dài trong đất, nước ao hồ, kênh rạch, nên việc xử lý triệt để khu vực có vi khuẩn là rất khó khăn. Quan trọng là người dân khi lao động cần tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt khi trên người có vết thương hở. Sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ăn chín, uống sôi là không chỉ giúp phòng bệnh Whitmore mà còn tránh được các bệnh nhiễm trùng khác nữa.
- Vậy, đất vườn của hộ gia đình ở nông thôn hoặc đất mà nhiều gia đình ở thành phố trồng rau trên sân thượng, ban công, liệu có vi khuẩn gây bệnh Whitmore không, thưa ông?
- Hiện tại, ngành Y tế chưa có nghiên cứu nào về việc phân bố của vi khuẩn gây bệnh Whitmore tại đất vườn, ruộng, đất trồng rau trên ban công tại các gia đình ở Hà Nội. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả các nghiên cứu khác, các tài liệu trong nước và trên thế giới về sự phổ biến của vi khuẩn này tại các nước nhiệt đới, chúng tôi cho rằng, đất vườn tại khu vực nông thôn và đất trồng rau của người dân tại Hà Nội có thể có loại vi khuẩn này. Vì vậy, người dân cần chú ý phòng bệnh, đeo găng tay, đi ủng, nhất là khi có vết thương hở, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, vi khuẩn để không bị nhiễm bệnh.
Cực kỳ hiếm gặp vi khuẩn Whitmore lây từ người sang người
- Thưa ông, vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể người theo cơ chế nào?
- Vi khuẩn gây bệnh Whitmore là một loài vi khuẩn sống trong đất ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Thái Lan, các nước khu vực Đông Nam Á và miền Bắc Australia. Vi khuẩn này lây nhiễm cho người, động vật và cũng có khả năng lây nhiễm cho cây.
Trên thế giới, người ta đã tìm ra vi khuẩn này ở các khu vực như: Cánh đồng trồng lúa nước, cánh đồng trồng rau, nông trường trồng cây cao su, rừng, hồ nước, sân vận động, các kênh, rạch dẫn nước ngoài đồng…
Theo một số tài liệu, vi khuẩn này thường ở độ sâu trong đất khoảng từ 20 cm đến 80 cm tính từ bề mặt đất. Chủ yếu vi khuẩn lây sang người và động vật qua nguồn đất và hoặc nước bị nhiễm khuẩn qua tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở. Do vậy, vi khuẩn gây bệnh Whitmore còn được coi là một tác nhân gây bệnh cơ hội, do môi trường.
- Xin ông cho biết biện pháp để phòng chống bệnh?
- Whitmore không phải là một bệnh lây truyền từ người sang người, mà là bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn sống trong môi trường. Các trường hợp lây từ người sang người, nếu có cũng chỉ là cá biệt, cực kỳ hiếm gặp.
Để phòng bệnh này, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng, không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.
Cùng với đó, sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) khi thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng; thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm, chết...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.