(HNM) - Ngày 16-1, UBND quận Hoàn Kiếm đã thông tin tới báo chí về giai đoạn 1 dự án di dân phố cổ. Dự kiến, tháng 3-2015 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng giao thông xã hội khu nhà ở giãn dân, đến quý III-2015 khởi công xây dựng khu nhà ở và hoàn thành vào quý IV-2017.
Thành phố có chủ trương giãn dân phố cổ từ năm 1998, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay mới có thể triển khai dự án. Vì sao phải giãn dân? Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, mật độ dân tại khu vực đã lên tới hơn 84.000 người/km², gấp 4 lần mật độ trung bình của thành phố hiện nay, thuộc loại cao nhất thế giới. Khu phố cổ hiện có 4.340 biển số nhà và mỗi số nhà có diện tích trung bình 92m2, là nơi cư trú của 3-4 gia đình, diện tích sinh hoạt cá nhân chỉ đạt 0,5 - 1,8m2/người. Không chỉ chật chội, 63% căn nhà phố cổ đã xuống cấp, 12% căn thuộc diện nguy hiểm và 5% căn không bảo đảm về môi trường sống. Đáng nói nữa là gần 1.000 ngôi nhà trong khu phố cổ được xây dựng cách đây hơn 100 năm và đa phần đã hư hỏng nặng, bị người dân tự ý cơi nới, sửa chữa. Không gian kiến trúc khu vực vốn được các nhà buôn phương Tây gọi là Kẻ Chợ từ thế kỷ XVI vì thế bị "băm nát"; nhiều đoạn phố trước đây giờ chỉ tìm thấy trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái… Tại khu vực cũng đã xuất hiện dạng nhà "ổ chuột" với hơn 500 căn, đó là chưa kể do một số vấn đề lịch sử để lại, khoảng 500 hộ gia đình đang sống trong các công trình tôn giáo, cơ quan, trường học, làm mất tính tôn nghiêm nơi thờ tự và công sở nhà nước.
Điều kiện sống không bảo đảm đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người dân. Nhà quá chật nên ngay trong ngày giỗ ông bà, cha mẹ, cả gia đình không thể quây quần, đoàn tụ cùng tưởng nhớ cha ông. Lại có nhà sống ở trên gác, khi cưới con, vì nghèo, không biết xoay xở cách nào, thuê nhà hàng thì không có tiền, mượn tạm hè phố căng rạp lại bị chủ cửa hàng kinh doanh ở tầng một phản đối. Không chỉ thời bao cấp, đến nay, ở phố cổ vẫn còn cảnh xếp hàng chờ đến lượt vệ sinh vào buổi sáng. Do quá chật chội, đông đúc nên nếu nhà bị dột mái, kinh phí sửa chữa cũng bị đội lên gấp nhiều lần so với khu vực khác… Kinh doanh ở phố cổ chỉ thuận lợi đối với các hộ mặt tiền, còn các hộ trong ngõ chẳng dễ dàng. Ngõ hẹp chỉ đủ cho hai quầy hàng nhỏ hoặc quán bán nước chè về đêm. Khách đến chơi với gia chủ loay hoay chẳng biết để xe ở đâu, bởi chính gia chủ còn phải mang xe đi gửi. Hầu hết những gia đình có mặt tiền buôn bán, kinh tế khá giả đều mua nhà nơi khác, mặt tiền phố cổ chỉ dành làm nơi buôn bán kinh doanh. Những gia đình không có điều kiện buộc phải chấp nhận cuộc sống chen chúc, chật chội, chung đụng, va chạm…
Khốn khổ là vậy nhưng khi có chủ trương giãn dân phố cổ, một số dân cũng tâm tư vì đã quen nhịp sống phố cổ; Khu đô thị Việt Hưng lại ở bên kia sông Hồng, xa trung tâm thành phố. Cũng có người còn hoài nghi cho rằng chủ trương giãn dân để đưa dân nơi khác đến ở hoặc làm trung tâm thương mại... Trước những tâm tư, hoài nghi không có cơ sở, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Chủ trương di dân ra khỏi phố cổ không phải xuất phát từ mục tiêu xây dựng hay tái tạo lại cái gì mà chính là để giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân phố cổ". Một dự án giãn dân với mục đích quan trọng đầu tiên là vì cuộc sống của người dân nên UBND quận Hoàn Kiếm đã công khai minh bạch chế độ chính sách mà các đối tượng bắt buộc hay tự nguyện được hưởng. Không chỉ nhà ở, tại nơi ở mới còn có đủ các công trình, cơ sở hạ tầng xã hội bảo đảm quyền lợi cho người dân. Những việc làm vì dân chắc chắn sẽ được dân ủng hộ và tiến độ dự án sẽ được bảo đảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.