(HNM) - Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu thế tất yếu nhờ vào khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội không nằm ngoài xu thế đó...
Cụ thể hơn, đến nay, nền tảng của chính quyền điện tử thành phố đã từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Trong cuộc sống cũng có nhiều ứng dụng thông minh như việc triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) trên một số tuyến phố, đã cho thấy rõ hiệu quả trong quản lý cũng như mang đến sự tiện lợi cho người dân...
Có thể nói, Hà Nội là một trong những siêu đô thị trên thế giới (về diện tích và quy mô dân số), nên trong mục tiêu bao trùm xây dựng đô thị thông minh, thành phố xác định các vấn đề cốt lõi hướng đến là y tế, giao thông, du lịch, môi trường, giáo dục, thương mại... Đây là những lĩnh vực nóng bỏng, tác động trực tiếp tới đời sống dân sinh, vì sự phát triển văn minh, hiện đại và thân thiện của thành phố.
Trên cơ sở đó, những việc cụ thể, sát sườn hơn như ùn tắc giao thông, chất lượng không khí, dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán điện tử... sẽ từng bước được "số hóa" để trở nên "thông minh" hơn trong quá trình phục vụ người dân.
Tuy nhiên, “thông minh hóa” đô thị là một quá trình dài lâu, có nhiều phần việc phải làm, nên yêu cầu nhận diện thuận lợi, khó khăn đồng thời rút kinh nghiệm từ "người đi trước" là hết sức cần thiết. Thuận lợi đó có thể là hạ tầng viễn thông tương đối tốt, tỷ lệ người dùng internet tăng nhanh, xu hướng tăng cường hội nhập quốc tế, phát triển chính quyền điện tử... Song ở chiều ngược lại, những thách thức phải giải quyết là kinh phí; khả năng kết nối thông tin; khung chính sách; xây dựng tiềm lực phát triển bền vững, như nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...
Học tập kinh nghiệm nhưng khi phát triển thành phố thông minh cần xác định không thể "bê nguyên" một mô hình nào đó, vì mỗi đô thị là một "thực thể sống", phải có ứng xử phù hợp. Đó chính là phải hiểu rõ người dân cần gì, cũng như các điều kiện nội tại của thành phố là gì, để đưa ra giải pháp thích hợp nhất.
Ở đây, yếu tố con người là đặc biệt quan trọng, họ vừa là đối tượng mà thành phố thông minh phải hướng đến - với tư cách người sử dụng, lại vừa là người tham gia tạo dựng một "đô thị thông minh". Vì nếu người dân thiếu ý thức pháp luật, ý thức văn hóa, hay nói cách khác là chưa văn minh tương xứng, thì những tiện ích công nghệ đem lại có cao siêu đến mấy cũng có thể lợi bất cập hại hoặc khó đạt hiệu quả toàn diện, bền vững. Do đó, đồng hành với việc này là tiếp tục tuyên truyền hiệu quả, xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thành phố thông minh phải phụ thuộc phần lớn vào tiến bộ công nghệ, vào các nguồn dữ liệu được xây dựng... Trên thực tế, vấn đề này không phải không có "lỗ hổng" nếu trình độ công nghệ thông tin phát triển chưa tương xứng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối các nguồn dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu người dùng dịch vụ...
Một thành phố thông minh không chỉ là thành phố công nghệ hóa toàn bộ tiện ích mà còn là nơi thấm đẫm yếu tố nhân văn, tôn trọng các giá trị nhân phẩm, nâng cao giá trị con người. Đấy mới là một thành phố đáng sống, một đô thị đặt chất lượng cuộc sống của người dân lên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.