(HNMO) - “Ông tiên” của những người nghèo, người bác sĩ có tấm lòng nhân hậu, bác sĩ vĩ đại... là những cái tên được nhiều người trìu mến đặt cho ông. Ông là Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương.
Một tấm lòng nhân hậu
Phòng khám chữa bệnh và phục hồi khả năng lao động của tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chương nằm nép mình trong con ngõ 424 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Mới đầu giờ sáng nhưng người bệnh đến khám và điều trị đã khá đông. Phòng chỉ rộng chừng 30m2, kê được chiếc bàn làm việc, 3 giường bệnh và một số máy móc luyện tập.
Mặc dù đã bước sang tuổi 85, nhưng bác sĩ rất minh mẫn, tinh tường, dáng đi khỏe mạnh, nước da hồng hào. Cuộc trò chuyện của tôi với bác sĩ nhiều lần bị gián đoạn bởi các bệnh nhân cần ông giúp đỡ.
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, năm 1959, chàng thanh niên Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội - ngành Thăm dò và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu. Năm 1980, bác sĩ Chương bảo vệ luận án Tiến sĩ y học tại Viện Hàn lâm Y học Bulgaria. Ông từng là cán bộ Ban y tế - Bộ Năng lượng, chuyên gia Bộ Y tế Lào.
Sinh ra trong nghèo khó, những ngày công tác lại tiếp xúc với nhiều công nhân lao động, ông hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người nghèo khi mắc bệnh mà không có tiền chữa trị. Vì vậy, sau khi về hưu, thay vì làm ở nơi có thu nhập cao hoặc nghỉ ngơi, an nhàn bên con cháu, năm 1992, ông mở phòng khám tại nhà riêng nhằm giúp người dân chữa bệnh với chi phí thấp nhất.
Nhớ lại những ngày đầu mới mở phòng khám, ông cho biết, đến khám là những người gần nhà. Sau đó, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến ngày càng đông. Không chỉ ở Hà Nội, mà nhiều người từ các tỉnh khác như: Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định cũng tìm về. Hiện nay, mỗi ngày, khoảng 10-15 người bệnh đến khám và điều trị tại đây.
Phòng khám của bác sĩ Chương điều trị chuyên sâu về xương, khớp, thoái hóa, liệt dây thần kinh... Ông kết hợp phương pháp đông-tây y. Nếu nhiều phòng khám khác sử dụng 3 phương pháp điều trị thì tại phòng khám này, bác sĩ Chương áp dụng tới 8 phương pháp. Đặc biệt, ông dùng phương pháp châm cứu không đau và tuyệt đối không sử dụng biện pháp tiêm, mỗi lần điều trị kéo dài 2 tiếng, nên rất hiệu quả.
Bà Trần Thị Mỹ (80 tuổi, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) cho hay, bà đã điều trị tại đây được 1 tháng. 15 ngày đầu, chân bà vẫn bị đau vì bệnh thần kinh tọa. Tuy nhiên, tình trạng bệnh đến nay đã cải thiện rất nhiều.
Bà Vũ Thị Nhung (68 tuổi, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Tôi bị thoát vị đĩa đệm và đau khớp gối, mỗi khi ngồi xuống, đứng lên phải vịn hoặc bám; mỗi lần đứng chỉ được 15 phút rồi lại phải tìm điểm để tì vì đau, mỏi. Sau khi được người thân giới thiệu, tôi đã chữa trị tại đây hơn 2 tháng. Hiện tôi có thể đứng lên, ngồi xuống dễ dàng và đứng hàng giờ mà không còn bị đau, mỏi. Bác sĩ Chương không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất tận tâm, tận tình với người bệnh".
Và những trăn trở
Bác sĩ Chương không nhớ đến nay đã khám và điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng rất nhiều người nhờ ông mà đã cảm thấy yêu cuộc sống hơn.
Chẳng hạn, bệnh nhân tên Huy, sinh năm 1997, ở Hà Nội. Do bị mất một phần chức năng nhận thức của não, mặc dù đã 17 tuổi, nhưng Huy chỉ như một đứa trẻ lên ba. Trong bữa ăn, Huy không thể cầm được đũa, cũng chẳng bưng được bát, mọi sinh hoạt cá nhân phải có sự giúp đỡ của người thân. Sau khi được bác sĩ Chương điều trị, chỉ 7 tháng, tình trạng bệnh được cải thiện, Huy cầm được bát đũa, cầm được dao để thái thức ăn. Sau 2 năm điều trị, Huy đã có thể đi được xe máy. Hiện nay, anh đã có gia đình riêng, hằng ngày gói bánh chưng và giao cho các quán ăn.
Hay như ông Lĩnh, một cán bộ về hưu, bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Sau khi mổ não, ông Lĩnh bị liệt toàn thân và mất nhận thức. Khi bệnh nhân được đưa đến, bác sĩ Chương đã tìm mọi cách chữa trị. Sau một thời gian được điều trị tích cực, ông Lĩnh đã dần hồi phục, có thể nhận thức và đi lại gần như bình thường.
Hằng ngày, người bác sĩ già vẫn được những bệnh nhân mà ông cứu chữa đến thăm với lòng kính trọng và biết ơn. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh, khi lên khám lại, mang quà quê biếu ông. Những tình cảm ấy, theo bác sĩ Chương, không gì mua được.
Với ông, niềm vui, niềm hạnh phúc là cứu được người, giúp được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bởi ông quan niệm: Cho đi là nhận lại.
“Những điều tôi làm cho họ có đáng gì. Họ cho tôi mới nhiều. Tôi chữa bệnh, họ khỏi bệnh thì tôi cảm thấy vui và hạnh phúc. Tôi nhận được tình cảm từ người bệnh. Nhờ họ mà tôi khỏe ra”, vị bác sĩ này nói.
60 năm trong nghề, người thầy thuốc này luôn đau đáu về người bệnh. Điều ông trăn trở là nhiều người bệnh từ các tỉnh về khám, chữa không có chỗ ở, phải thuê nhà trọ để điều trị hoặc có người quá khó khăn không thể ở lại; nhiều trẻ bị khuyết tật chưa được chữa trị...
“Mong muốn của tôi lúc này là có nơi để những trẻ khuyết tật, những người ở tỉnh xa ăn, ở để họ thuận tiện trong việc điều trị”, vị bác sĩ già nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.