(HNM) - Hàng loạt tình tiết mới liên quan đến vụ nghe lén và hối lộ nhằm thu thập thông tin của News of the World ("Tin tức thế giới") - một chi nhánh của Tập đoàn truyền thông News Corp và là tờ báo lá cải bán chạy nhất nước Anh vừa phải đóng cửa sau 168 năm hoạt động liên tiếp - bung ra trong suốt tuần qua khiến dư luận không khỏi choáng váng.
Nhiều nhà quan sát nhận định, scandal - được ví như vụ Watergate của Mỹ đầu những năm 70 của thế kỷ trước có thể gây sóng gió trên chính trường Anh vì mối quan hệ mật thiết của ông trùm Rupert Murdoch - người đứng đầu News Corp với giới chính trị và cảnh sát xứ Sương mù trong nhiều năm qua.
Tỷ phú R.Murdoch và con trai trong phiên điều trần căng thẳng tại Quốc hội Anh. |
Việc hai nhân vật đứng đầu Cơ quan Cảnh sát London vừa phải từ chức dường như vẫn chưa đủ, Thủ tướng Anh David Cameron đã phải cắt ngắn chuyến thăm châu Phi để kêu gọi phiên điều trần khẩn cấp tỷ phú R.Murdoch và con trai Jame cùng Rebekah Book - cựu Tổng Biên tập Báo News of the World trước Quốc hội ngày 19-7. Ông chủ biệt thự số 10 phố Downing được cho là đã có nhiều cuộc gặp riêng "trung tâm scandal" R.Murdoch kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái. Cùng chung tâm lý với người đứng đầu Chính phủ Anh, hàng chục câu hỏi hóc búa được tung ra tại phiên điều trần cho thấy, trước sức ép của dư luận, các nhà lập pháp Anh trước đây từng ủng hộ R.Murdoch đã không còn đứng về phía nhà tài phiệt có khối lượng tài sản lên tới 7,6 tỷ USD. Động thái này được cho là nhằm thu hẹp cuộc khủng hoảng truyền thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thêm áp lực cộng hưởng lên chính quyền vốn đang đau đầu với bài toán bất ổn do cơn bão nợ công hoành hành.
Không chỉ dừng lại ở nước Anh, áp lực đòi mở một cuộc điều tra toàn diện những hoạt động được cho là bất hợp pháp nhằm thu thập thông tin của News Corp còn lan rộng sang Mỹ và có thể vươn tới nhiều chi nhánh của tập đoàn này tại Ấn Độ, Trung Quốc, thậm chí là cả Australia - quê hương của nhà tài phiệt đã ngoại bát tuần này.
Không phải ngẫu nhiên mà các nghị sĩ xứ Cờ hoa - nơi "đóng đô" của News Corp với nhiều tài sản lớn như: Nhật báo Phố Wall, Bưu điện New York và Đài Truyền hình Fox, lại kêu gọi Quốc hội mở "phiên điều trần công khai" về việc nghe lén thư thoại của người Mỹ. Đã có một số hãng thông tấn cho rằng, điện thoại của các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ cũng bị các thám tử làm việc cho News of the World xâm nhập. Thậm chí, một số người đã viết thư cho Ủy ban Chứng khoán (SEC) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) kêu gọi xem xét khả năng News Corp vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài FCPA...
Với những gì đã làm được, không ai có thể tranh cãi về tầm nhìn và kỹ năng của R.Murdoch trong cuộc chinh phục và thống trị thị trường báo lá cải, là người có những bước đi đột phá kết nối các phim trường với đài truyền hình, là người tiên phong trong phát triển truyền hình vệ tinh... Thế nhưng, nhiều "thủ thuật" đã đưa R.Murdoch và các sản phẩm của ông lên đỉnh cao của đế chế truyền thông lại đang trở thành vũ khí chống lại chính nhà tài phiệt này.
Hiện giờ, với 40% cổ phiếu trong tay, vị trí Giám đốc điều hành News Corp của R.Murdoch vẫn an toàn. Tuy nhiên, không ai dám chắc ông sẽ duy trì được vị trí này trong bao lâu nếu vụ bê bối tiếp tục lan rộng. Ngoài ra, cuộc điều tra toàn diện do nhiều nước tiến hành có thể kéo dài nhiều năm và khiến News Corp phải tiêu tốn hàng triệu USD, trong đó phải kể đến chi phí cho một đội ngũ luật sư hùng hậu. Dù còn quá sớm để khẳng định quy trình pháp lý sẽ đi theo hướng nào và cơ quan công tố sẽ tiến hành những cuộc điều tra với nội dung ra sao, nhưng cuộc chiến pháp lý kéo dài chắc chắn sẽ làm chao đảo đế chế truyền thông một thời này. Từ khi scandal bùng phát đến nay mới khoảng hai tuần, song giá trị cổ phiếu của News Corp đã sụt giảm 7%, tương đương hơn 3 tỷ USD. Với tốc độ sụt giảm như vậy, không ít người đã nghĩ tới cụm từ "lu mờ" dành cho "triều đại" R.Murdoch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.