(HNM) - Đó là hình ảnh ví với sự trỗi dậy của tàn quân Taliban được xác nhận đã vượt biên giới Afghanistan sang Pakistan bằng các vụ tấn công đẫm máu với quy mô lớn. Các vụ tấn công đang khiến lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề.
Hiện trường một vụ tấn công của Taliban vào đoàn xe chở dầu của NATO từ Pakistan sang Afghanistan. |
Vụ tấn công của phiến quân, ngày 9-10, tại thị trấn gần Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan giàu khí đốt và dầu mỏ, phía Tây Nam Pakistan giáp biên giới Iran và Afghanistan, đã phá hủy gần 30 xe quân sự chở dầu tiếp viện cho lực lượng NATO ở Afghanistan. Như vậy, chỉ trong hơn một tuần, phiến quân Taliban ở Pakistan đã gây ra 6 vụ tấn công nhằm vào lực lượng NATO đang quá cảnh ở nước này. Trước đó, phiến quân Taliban cũng đã đốt cháy hơn 100 xe chở nhiên liệu tại thành phố Shikarpur thuộc tỉnh Sindh, thành phố Rawalpindi, Quetta và Nowshera, nhằm ngăn chặn việc mở lại tuyến đường tiếp viện từ Pakistan sang Afghanistan.
Taliban công khai cho biết, các vụ tấn công trên là hành động trả đũa các cuộc đột kích qua biên giới và những vụ oanh kích bằng máy bay không người lái của liên quân; đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục những vụ tấn công tương tự…
Rõ ràng, bất chấp chiến dịch chống khủng bố của Islamabad cũng như cuộc tìm kiếm, phá hủy nơi ẩn náu lực lượng phiến quân do máy bay liên quân thực hiện, Taliban vẫn gây tâm lý lo âu bao trùm lên khắp lãnh thổ quốc gia Nam Á này. Nếu như trước, tàn quân Taliban thường hoạt động mạnh ở khu vực biên giới Tây bắc Pakistan, giáp với Afghanistan, thì nay, hoạt động của chúng không ấn định, nhằm vào một vùng miền nào. Các vụ tấn công trải dài trên khắp lãnh thổ quốc gia Hồi giáo này, từ khu vực Tây bắc (thành phố Nowshera), miền Tây Nam (thành phố Quetta), phía Bắc (tỉnh Sindh) đến cả thủ đô Islamabad. Mới đây, ngày 7-10, hai vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại ngôi đền Abdullah Shah Ghazi ở thành phố cảng Karachi thuộc tỉnh Sindh ở miền Nam Pakistan, làm ít nhất 14 người thiệt mạng và 70 người bị thương, đã gây làn sóng căm phẫn trong dư luận Nam Á và quốc tế. Vụ tấn công đã khiến nhà chức trách tỉnh này phải quyết định tạm thời đóng cửa tất cả các ngôi đền trong thành phố Karachi. Tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố tại tất cả các bệnh viện lớn. Tổng thống Pakistan Asif Zardari và Thủ tướng Yusuf Gilani đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công này.
Trong khi đó, bên ngoài lãnh thổ Pakistan, những thông tin về một nhóm 25 phần tử Hồi giáo cực đoan đang lên kế hoạch quay trở lại châu Âu sau khi kết thúc đợt huấn luyện tấn công khủng bố tại khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, đã gây tâm lý lo ngại, buộc một số nước châu Âu phải đưa ra báo động cấp độ cao về nguy cơ tấn công khủng bố. Ngày 6-10, trang web của Bộ Ngoại giao Pháp đã cho đăng tải thông tin cảnh báo công dân nước này không nên đến Anh, nơi có nguy cơ khủng bố cao; đồng thời lưu ý người dân tránh xa các phương tiện giao thông công cộng và những điểm du lịch đông người trên toàn nước Anh. Đây là lần đầu tiên Pháp đưa ra cảnh báo đối với một nước khác trong châu Âu. Trước đó, giới chức Pháp đã liên tiếp khẳng định nguy cơ tấn công khủng bố tại Pháp cũng rất cao và đã tăng cường an ninh tại các điểm du lịch đông người như: Tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà và nhiều khu vực tại trung tâm Paris.
Sự trỗi dậy của Taliban đã gây tâm lý lo ngại trong cộng đồng quốc tế về tính hiệu quả của chính sách mà Washington đưa ra, hồi tháng 12-2009, với khu vực này. Theo đó, Mỹ đã tăng thêm 30.000 quân tới chiến trường Afghanistan để thực hiện các chiến dịch triệt phá các ổ nhóm khủng bố. Tuy nhiên, sự gia tăng hoạt động của phiến quân Taliban đang đặt dấu hỏi lớn cho các chiến dịch này. Trong khi đó, các cuộc oanh tạc của liên quân trong chiến dịch tìm, diệt nơi ẩn náu của tàn quân Taliban cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều thường dân vô tội, đang làm dấy lên làn sóng lớn phản đối liên quân ở cả Afghanistan lẫn Pakistan. Mới đây, Đại sứ Mỹ tại Pakistan Anne Woods Patterson cũng đã phải lên tiếng xin lỗi chính phủ Pakistan vì những vụ xâm nhập lãnh thổ nước này trong thời gian gần đây của lực lượng NATO…
Làm thế nào ngăn chặn hiệu quả "vết dầu" khủng bố có nguy cơ loang rộng trên biên giới hai nước Afghanistan và Pakistan xem ra đang là câu hỏi làm đau đầu không chỉ Mỹ và NATO mà còn cả từ phía Chính phủ Pakistan cũng như Afghanistan trong bối cảnh chính trị hiện nay tại hai quốc gia này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.