(HNM) -
Lần đầu tôi gặp Oleg Ishchenko khi anh tham dự cuộc thi mang tên "Hà Nội - Điểm hẹn của bạn", do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố tổ chức vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi đó dù nói tiếng Việt chưa thành thạo nhưng anh vẫn hào hứng chia sẻ tình cảm của mình: "Trước khi đến Việt Nam nhận nhiệm kỳ, tôi đã đọc nhiều thông tin về Hà Nội. Không chỉ vậy tôi còn gặp gỡ nhiều người Việt sinh sống ở Ukraine để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam và thưởng thức những món ăn do những đầu bếp Việt Nam chế biến trong những nhà hàng ở đây".
Vì thế, khi được Bộ Ngoại giao Ukraine phân công, Oleg Ishchenko đã chọn Việt Nam để thực hiện nhiệm kỳ của mình từ năm 2008 đến 2011. Với anh, Hà Nội thực sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả của một thành phố xanh với những cây cối và hồ nước, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như người dân nồng hậu, mến khách. Oleg Ishchenko cho biết, trong hai năm sống và làm việc ở Hà Nội, thành phố này đã trở nên quen thuộc với anh cũng như các thành viên trong gia đình.
Dù rất yêu Hà Nội, nhưng rồi cũng đến lúc Oleg Ishchenko phải chia tay mảnh đất này khi hết nhiệm kỳ công tác. "Lúc đó tôi đã trăn trở rất nhiều. Tôi cũng có nhiều lời mời, cơ hội làm việc tại Hà Nội. Hai con trai tôi khi biết phải rời Hà Nội cũng rất buồn… Và sau khi về Ukraine để thu xếp công việc, chỉ hai tháng sau tôi đã trở lại Hà Nội với công việc mới" - Oleg Ishchenko nhớ lại.
Trở lại Việt Nam, Oleg Ishchenko làm việc cho Công ty Dầu khí Vũng Rô với chức vụ Phó Tổng Giám đốc Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Với lợi thế vừa biết tiếng Nga và tiếng Việt, lại am hiểu văn hóa, lịch sử cũng như cuộc sống ở Hà Nội, anh dễ dàng bắt nhịp với công việc mới. Sau 4 năm làm việc cho Công ty Dầu khí Vũng Rô, Oleg quyết định mở công ty riêng chuyên nhập khẩu một số mặt hàng của Ukraine sang Việt Nam. Dù công việc mới còn nhiều khó khăn, nhưng anh luôn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái khi được sống và làm việc tại Hà Nội.
Để hiểu về đất nước nơi mình đang sống, không còn cách nào khác là phải hiểu ngôn ngữ. Vì thế, ngay từ năm 2008, sau khi đến Hà Nội nhận nhiệm kỳ công tác, Oleg Ishchenko đã say sưa học tiếng Việt. Từ đó đến nay, dù bận đến mấy anh vẫn học tiếng Việt hằng tuần với một cô giáo dạy riêng. Oleg Ishchenko cho hay: "So với lần đầu tôi sang thì Hà Nội bây giờ phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dù phát triển đến mấy Hà Nội vẫn giữ được những nét truyền thống. Tôi thực sự thích các món ăn của Hà Nội như phở, nem rán… Ở nhà thỉnh thoảng vợ tôi cũng trổ tài nấu món ăn Việt, mặc dù chưa ngon bằng".
Không chỉ Oleg mà hai con trai cũng như vợ anh rất thích sống ở Hà Nội. Anh kể, cậu con trai thứ hai rất thích thú với việc đi học bằng xe đạp điện. Những dịp cuối tuần, cả gia đình thường dạo quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm rồi thưởng thức những món ăn đường phố trong khu phố cổ. "Nhiều người bạn của tôi nói, tôi đã 30% giống người Việt Nam rồi đấy. Tôi đang cố gắng để giống người Việt nhiều hơn" - anh chia sẻ.
Lúc chia tay, Oleg Ishchenko bày tỏ mong muốn được sinh sống và làm việc lâu dài tại Hà Nội. Anh bảo: "Dù sống ở Hà Nội đã 8 năm và cũng từng ấy năm ăn Tết ở đây, nhưng tôi chưa có dịp đến ăn Tết ở một gia đình Việt Nam nào. Tôi cũng rất tò mò vì ngày Tết ở Việt Nam có rất nhiều phong tục thú vị. Vì thế tôi hy vọng năm nay được đến xông đất và ăn Tết ở nhà một người Việt Nam".
Chris Dunn, quốc tịch Australia, giáo viên tiếng Anh: Hà Nội thực sự hấp dẫn tôi Kim Kwang-ho, Giáo viên phái cử Quỹ Sejong (Hàn Quốc) dạy tiếng Hàn tại Hà Nội: Người dân thật mến khách Cách đây hai năm, khi lần đầu tiên đến Hà Nội, vừa bước khỏi sân bay Nội Bài tôi ngạc nhiên vì không hiểu sao ở đây lại nóng, ẩm ướt thế! Điều này ngoài sức tưởng tượng của tôi. Không ngờ Hà Nội lại nóng hơn cả Thái Lan hay Singapore mà tôi từng đến. Trong vài tháng đầu, nhiều lúc tôi cảm giác mình không thể chịu nổi thời tiết ở Hà Nội. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, mọi lo lắng của tôi dần tan biến khi quen dần với thời tiết nóng ẩm của Hà Nội. Tôi bắt đầu thấy thích cuộc sống ở đây. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.