Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vén màn bí mật” vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

Quỳnh Dương​​​​​​​| 11/06/2020 17:05

(HNMO) – Hơn 3 thập kỷ kể từ sau vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme gây chấn động dư luận Thụy Điển, cuối cùng người dân quốc gia Bắc Âu cũng biết được hung thủ thật sự. Ngày 10-6, các công tố viên Thụy Điển đã chính thức khép lại cuộc điều tra kéo dài này.

Cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme.

Phát biểu với báo chí, công tố viên trưởng Krister Petersson cho biết, có những bằng chứng cho thấy, người đã bắn Thủ tướng Olof Palme là Stig Engstrom, một nhà thiết kế đồ họa, người đã tự kết liễu đời mình vào năm 2000. Vì đối tượng đã chết, cơ quan chức năng không thể buộc tội đối tượng và do vậy quyết định kết thúc cuộc điều tra.

Theo các hồ sơ lưu lại, Thủ tướng Olof Palme bị ám sát ngay trên một con phố đông đúc tại thủ đô Stockholm vào đêm 28-2-1986. Vào thời điểm bị ám sát, ông Olof Palme đang nắm giữ cương vị Thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ 2. Tuy là Thủ tướng nhưng ông không sử dụng vệ sĩ do muốn có cuộc sống bình thường như bao người dân và đêm xảy ra án mạng không phải là ngoại lệ. Sau khi xem một bộ phim hài tại rạp chiếu phim Grand, ông và phu nhân - bà Lisbeth Christina Palme - đi bộ ra ga tàu điện ngầm để về nhà. Vào 23h21, thủ phạm xuất hiện từ phía sau và nổ súng vào vợ chồng ông. Thủ tướng Olof Palme bị trúng đạn ở gáy, trong khi viên đạn thứ hai sượt qua Lisbeth Christina Palme, khiến bà bị thương. Sát thủ tháo chạy khỏi hiện trường trước khi một nhóm người gần đó chạy đến giúp đỡ. Thủ tướng Olof Palme được đưa đi cấp cứu nhưng qua đời tại bệnh viện rạng sáng 1-3-1986.

Cố Thủ tướng Olof Palme sinh năm 1927 và gia nhập đảng Dân chủ Xã hội năm 1949. Ông đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Thụy Điển trong giai đoạn 1969-1976 và 1982-1986. Trong thời gian tại nhiệm, ông đã thực hiện một loạt cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao mức sống của người dân. Ông cũng có tiếng nói quyết đoán trong các vấn đề quốc tế, trong đó có nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân hay cuộc chiến Iran – Iraq những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều người ca ngợi ông là người kiến tạo đất nước Thụy Điển hiện đại.

Hơn 10.000 người đã bị thẩm vấn liên quan tới vụ ám sát trong những năm qua, trong đó có Stig Engstrom, tuy nhiên chỉ với tư cách là một nhân chứng. Cuộc điều tra lâm vào bế tắc đã làm dấy lên hàng loạt chỉ trích của dư luận về cách làm việc của cơ quan an ninh.

Hans Holmer, người đứng đầu cơ quan điều tra vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, trong cuộc họp báo liên quan tới vụ án này.

Công tố viên trưởng Krister Petersson cho biết, ông may mắn nắm được manh mối của vụ án từ nhà báo tự do có tên Thomas Pettersson, người đã giúp đưa ra những chứng cứ dẫn tới Stig Engstrom. Thomas Pettersson đã tìm ra mối quan hệ giữa sát thủ và một nhà sưu tập vũ khí. Hai người này cũng có chung quan điểm phản đối các chính sách của Thủ tướng Olof Palme. Năm 2017, cảnh sát đã tìm được tại nhà của người sưu tầm vũ khí một khẩu súng có đặc điểm nhận dạng trùng với hung khí sát hại Thủ tướng Olof Palme. Nhà báo Thomas Pettersson cũng phát hiện ra Stig Engstrom thường làm việc khuya tại tòa nhà gần nơi xảy ra vụ ám sát và có mặt tại hiện trường vụ án. Tên này có tham gia câu lạc bộ bắn súng và có thái độ bất mãn với cuộc sống vào thời điểm đó.

Việc nhà báo Thomas Pettersson bàn giao những gì ông điều tra được cho cảnh sát vào năm 2017 đã giúp mở nút thắt của vụ án và giúp người dân Thụy Điển biết được chân tướng của vụ việc gây ám ảnh suốt 34 năm qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Vén màn bí mật” vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.