(HNM) - Hiện nay, các phương tiện thu gom rác thải ở các công trình xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị lại chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi vẫn hoạt động trong giờ cao điểm, để rơi vãi bụi bẩn và bốc mùi nồng nặc. Luật quy định trách nhiệm cơ quan chức năng nào xử lý những vi phạm như vậy?
Nguyễn Trung Nam (Chương Mỹ, Hà Nội) Luật gia Hoàng Xuân Hiến (ĐT:0983351928 email: hoangxuanhienqo@gmail.com) trả lời:
- Vấn đề anh Nam đề cập đến là các phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn trong lĩnh vực: hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (trong đô thị, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao), quản lý phát triển nhà và công sở. Theo đó chất thải rắn được hiểu là chất thải ở thể rắn được thải ra từ quá trình sản xuất công nghiệp, làng nghề, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác nhau. Chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại.
Do nhận thức còn hạn chế của đại bộ phận nhân dân về chất thải rắn cũng như cách thức vận chuyển quản lý và xử lý chất thải rắn, tác động không nhỏ đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Trên thực tế luật và các văn bản dưới luật của Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và phòng ngừa tình trạng các phương tiện thu gom chất thải rắn. Các văn bản này mới đề cập đến chế tài xử lý hành chính (với mức phạt tiền khác nhau hoặc buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu do hành vi gây ra). Bộ luật Hình sự mới quy định và quy kết, xử lý hình sự các hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn (Điều 202, 204 Bộ Luật Hình sự) và một số hành vi được Bộ Luật Hình sự quy định thuộc lĩnh vực khác. Đây là một vấn đề pháp lý cần phải được cơ quan xây dựng và ban hành pháp luật quan tâm để có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội này một cách hiệu quả.
Những hành vi mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới dừng lại ở mức độ xử lý hành chính. Theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009, thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc chủ tịch và thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND các cấp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt chính: phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng.
Ngoài ra còn áp dụng một số hình thức phạt bổ sung như sau: Thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính; buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm hành chính gây ra; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.