(HNM) - Báo Hànộimới nhận được phản ánh của người dân thuộc Cụm dân cư số 3, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) về việc xây dựng trạm biến áp 110KV trong khuôn viên Công viên Thủ Lệ, ngay sát nơi sinh sống của 500 hộ dân quanh đó với nỗi lo về nguy cơ cháy nổ, tiếng ồn...
Vị trí dự kiến đặt trạm biến áp 110KV trong Công viên Thủ Lệ. |
Người dân lo ngại
Trạm biến áp 110KV có vị trí phía Bắc và Tây Bắc giáp ngõ 9 Đào Tấn và Trường Tiểu học Thủ Lệ; phía Nam và phía Đông giáp các ô đất trong công viên. Từ tháng 1-2016, UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh một phần các ô đất CX8, CX9, TD, MG, có chức năng sử dụng đất là đất cây xanh, khu thú dữ, khu thú móng guốc và đường giao thông có diện tích khoảng 1.620m2 thành đất hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trạm biến áp 110KV...
Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của người dân Cụm dân cư số 3, phường Ngọc Khánh bởi vị trí ngay sát 500 hộ dân đang sinh sống (tương đương khoảng 1.500 người dân) và hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học Thủ Lệ. Người dân lo lắng khi vị trí đặt trạm biến áp chỉ cách khu dân cư một bức tường, khi hoạt động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi tiếng ồn, từ trường và nhiều vấn đề khác. "Vẫn biết đây là dự án bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn và liên tục cho các phụ tải tại khu vực quận Cầu Giấy, Ba Đình và quy hoạch mạng lưới cung cấp điện của TP Hà Nội, nhưng chúng tôi không thể không lo lắng”, bà Lê Thị Thọ, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 (Cụm dân cư số 3), phường Ngọc Khánh nói.
Từ năm 2016 đến nay, các hộ dân trong Cụm dân cư số 3 liên tục phản ánh đến các cấp chính quyền, với mong muốn có sự điều chỉnh vị trí đặt trạm. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, cụm dân cư số 3: Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng trạm biến áp nhưng không đồng tình với vị trí đặt trạm vì nó quá gần khu vực dân cư, trường học, chợ Thủ Lệ. Nếu có sự cố về kỹ thuật, hay xảy ra cháy nổ, thì việc cứu hỏa, cứu nạn không bảo đảm vì ngõ 9 Đào Tấn hẹp, đông dân, việc đi lại, di chuyển rất khó khăn.
Cần tính biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố
Để giải đáp băn khoăn của người dân, UBND phường Ngọc Khánh đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo phường, Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội, Vườn thú Hà Nội, Trung tâm Vật lý môi trường - Viện Vật lý và Điện tử (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và đại diện khu dân cư. Cụ thể, tại cuộc đối thoại ngày 27-10-2016, hầu hết các ý kiến của người dân được ghi nhận đều không đồng tình với vị trí lắp đặt của trạm biến áp. Tuy nhiên, phía Trung tâm Vật lý môi trường khẳng định, đã thực hiện đo đạc, quan trắc môi trường và những tác động của trạm biến áp với đời sống nhân dân là hoàn toàn kiểm soát được. Đơn vị này sẽ giám sát chất lượng môi trường từ khi xây dựng, hoàn thiện đến khi vận hành.
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết, đã tiếp thu ý kiến của người dân, đồng thời đề nghị Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội tiếp thu, phản ánh với các cấp liên quan. Tiếp sau đó, ngày 18-1-2017, UBND phường Ngọc Khánh tổ chức họp với các hộ dân, chuyển tải các văn bản trả lời từ các cơ quan chức năng, cụ thể là khẳng định của ông Nguyễn Duy Uẩn, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Kiến thức bản địa (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam): Dự án này đã có một hội đồng chuyên môn thẩm định; dự án bảo đảm tiêu chí an toàn từ vấn đề khoảng cách, đến phòng cháy chữa cháy.
Ngày 16-8-2017, UBND quận Ba Đình cũng có Công văn số 1497/UBND-Ttr trả lời kiến nghị liên quan đến dự án trạm biến áp 110KV Công viên Thủ Lệ tới các hộ dân cụm dân cư số 3, phường Ngọc Khánh. Công văn nêu rõ, dự án nằm trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn năm 2011-2015, có xét đến năm 2020, được Bộ Công Thương phê duyệt. Viện Tài nguyên Môi trường và Kiến thức bản địa thẩm tra độc lập đánh giá báo cáo tác động môi trường của dự án là đúng quy định hiện hành. Cụ thể, việc đánh giá áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, các nguồn tác động được phân tích nhận dạng một cách chi tiết, đầy đủ, đặc biệt là tác động đến môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và tác động của điện từ trường. Đồng thời, bản đánh giá đưa ra đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và biện pháp phòng ngừa rủi ro sự cố phù hợp với quy mô, tính chất của dự án. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng cấp Giấy chứng nhận số 246/TD-PCCC-P3 ngày 13-4-2015 thẩm duyệt thiết kế các nội dung: Bậc chịu lửa, bố trí mặt bằng, lối tiếp cận cho xe chữa cháy, khoảng cách phòng cháy chữa cháy, giải pháp ngăn cháy lan, lối ra thoát nạn của công trình, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động.
Liên quan đến vị trí lắp đặt trạm biến áp, ông Nguyễn Minh Tú cho biết, dự án đang được triển khai và hiện các vị trí trong Công viên Thủ Lệ đã được quy hoạch, vì vậy không còn điểm nào hợp lý để di chuyển trạm biến áp.
Với những căn cứ nêu trên, có thể thấy việc đầu tư xây dựng trạm biến áp là cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, để nhận được sự đồng thuận của người dân, ngoài việc đưa ra những kết luận về quy chuẩn hiện hành, cơ quan chức năng cần tính đến các biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố, đồng thời đưa ra cam kết cụ thể để người dân yên tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.